Sáp nhập huyện, xã: Bộ trưởng Nội vụ cam kết 'làm ngày làm đêm'

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân
TPO - Trước băn khoăn về thời gian và tiến độ sáp nhập đơn vị hành chính, Bộ trưởng Nội vụ cam kết sẽ làm ngày làm đêm, địa phương gửi đến đâu, Bộ sẽ thẩm định đến đó cho kịp tiến độ theo yêu cầu.

Chiều 16/10, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Hải Dương, mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa; và thành lập 3 phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Theo Bộ trưởng Tân, Thanh Hóa hiện có 27 đơn vị cấp huyện, và có 635 cấp xã, trong đó có 69 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp theo quy định. Phương án được đưa ra là sắp xếp 146 cấp xã thành 70 đơn vị cấp xã mới. Đồng thời thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn trên cơ sở toàn bộ 21,20 km2 diện tích tự nhiên, dân số 9.638 người của xã Tân Ninh. Bộ trưởng cho biết, sau khi sáp nhập, Thanh Hóa sẽ giảm 76 đơn vị cấp xã.

Về tổ chức bộ máy, ông Tân cho biết, sau khi có Nghị quyết, tỉnh Thanh Hóa sẽ quyết định thành lập tổ chức đảng, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội ở đơn vị hành chính mới theo quy định. Còn về cán bộ, công chức, tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách liên quan sáp nhập cấp xã là 2.842 người. Trong đó cán bộ là 1.366 người, dự kiến bố trí đúng quy định 737 người, đã có phương án sắp xếp hợp lý số dôi dư là 629 người. Công chức là 1.476 người, dự kiến nhập nguyên trạng vào các xã mới và có lộ trình giải quyết hợp lý trong giai đoạn 2020 – 2025 số dôi dư là 679 người...

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành với phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cũng như công tác cán bộ mà Chính phủ trình. Qua đó, 146 đơn vị cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa được sáp nhập để hình thành 70 cấp xã mới (giảm 76 đơn vị cấp xã trong toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 11,9%); sắp xếp 55 đơn vị cấp xã của tỉnh Hải Dương để hình thành 25 đơn vị cấp xã mới (giảm 30 đơn vị cấp xã trong toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 11,7%)…

Để bảo đảm hoàn thành tiến độ xem xét, thông qua các đề án trong năm 2019, Uỷ ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và các địa phương khẩn trương xây dựng tờ trình, đề án sáp nhập, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong tháng 10 và 11/2019.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ tổng hợp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của địa phương để có biện pháp kịp thời tháo gỡ, khắc phục. Trong đó, cần lưu ý đến vấn đề bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm quyền lợi cho những cán bộ, công chức dôi dư và những người hoạt động không chuyên trách ở những đơn vị liên quan.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, hiện Bộ Nội vụ đã nhận được 27 tỉnh và đã thẩm định xong 24 tỉnh có số đơn vị sáp nhập nhiều nhất, mấy tỉnh còn lại chỉ có một vài xã trong diện sáp nhập. Trước băn khoăn về thời gian và tiến độ, Bộ Nội vụ cam kết sẽ làm ngày làm đêm, địa phương gửi đến đâu, Bộ sẽ thẩm định đến đó. Phía Quốc hội, cơ quan thẩm tra cũng hứa sẽ phối hợp tốt nhất để thẩm định cho đảm bảo thời gian và chất lượng.

MỚI - NÓNG