Sau sáp nhập huyện, xã ở Cao Bằng: Hơn 700 cán bộ, công chức dôi dư

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Bích Ngọc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Bích Ngọc
TPO - Sau khi sáp nhập giảm 3 đơn vị hành chính cấp huyện và 38 cấp xã, tổng số cán bộ, công chức cấp huyện có liên quan đến phương án sắp xếp ở tỉnh Cao Bằng là 691 người và 1.533 người thuộc 76 cấp xã.

Bộ Nội vụ vừa thực hiện thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021 tại tỉnh Cao Bằng. Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng Đồng Thị Kiều Oanh, Cao Bằng hiện có 13 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, 199 ĐVHC cấp xã. Trong đó có 3 đơn vị cấp huyện, 52 cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Do đó, tỉnh Cao Bằng sẽ thực hiện sáp nhập 3 huyện Trà Lĩnh, Phục Hòa, Thông Nông; 52 xã và thực hiện sáp nhập theo diện khuyến khích là 5 xã, thị trấn. Như vậy, sau khi sáp nhập, tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện (còn 9 huyện và 1 thành phố) và 38 xã (còn 8 phường; 14 thị trấn và 139 xã).

Về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy sau sáp nhập, bà Đồng Thị Kiều Oanh cho biết, đối với tổ chức Đảng, Đoàn thể chính trị - xã hội, Đảng bộ của ĐVHC cấp xã mới sắp xếp tương ứng với ĐVHC mới, Ban Thường vụ cấp trên chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch các tổ chức Đảng, Đoàn thể chính trị - xã hội.

Theo tính toán của Sở Nội vụ, tổng số cán bộ, công chức cấp huyện có liên quan đến phương án sắp xếp là 691 người và 1.533 người thuộc 76 cấp xã. Về giải pháp bố trí đội ngũ cán bộ, công chức đối với cấp huyện, tỉnh Cao Bằng sẽ giải quyết chế độ nghỉ hưu theo quy định là 71 người; dự kiến bố trí làm việc tại 3 huyện là 270 người. Như vậy, số cán bộ, công chức dôi dư tại 6 huyện là 350 người. Tỉnh Cao bằng sẽ giải quyết nghỉ chế độ tinh giản biên chế theo Nghị định số 108; còn lại sẽ điều động sang các huyện hoặc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; điều động giữ các chức danh chủ chốt cấp xã.

Đối với cán bộ, công chức cấp xã, tỉnh Cao Bằng sẽ sắp xếp, bố trí ở 38 cấp xã mới là 1.171 người. Số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư trong giai đoạn 2020- 2025 là 362 người. Tỉnh sẽ giải quyết chế độ nghỉ hưu theo quy định; điều động công chức sang các cấp xã lân cận trong huyện, trong tỉnh; luân chuyển cán bộ chuyên trách sang công chức xã đơn vị còn thiếu biên chế...

Đánh giá cao quyết tâm của tỉnh, tuy nhiên một số thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng, sau khi sáp nhập, tỉnh Cao Bằng chỉ còn 10 ĐVHC cấp huyện, như vậy lại chưa đủ tiêu chí của ĐVHC cấp tỉnh và đối với cấp huyện thì có những huyện ít xã. Hội đồng thẩm định đề nghị tỉnh Cao Bằng cân nhắc kỹ lộ trình thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở các ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp, bảo đảm thuận lợi, điều kiện tốt nhất trong việc bố trí, sắp xếp trường lớp cho học sinh đi học; bảo đảm thuận lợi cho việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân ở các trạm y tế cấp xã.

Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh Cao Bằng bổ sung giải pháp về việc chuyển đổi các loại giấy tờ đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người dân và doanh nghiệp có liên quan và giải pháp sử dụng các trụ sở, phương tiện, trang thiết bị có liên quan sau sắp xếp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Bích Ngọc khẳng định, sẽ sớm hoàn thiện hồ sơ, đề án theo đúng thời gian quy định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bà Nguyễn Bích Ngọc cũng nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh Cao Bằng là thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc sáp nhập, đảm bảo tinh gọn, tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng xây dựng phương án cụ thể để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức đối với các tổ chức Đảng, đoàn thể và các cơ quan tư pháp; đặc biệt, có giải pháp sắp xếp đối với cán bộ lãnh đạo cấp trưởng và đảm bảo số lượng cấp phó tại các cơ quan, đơn vị mới hình thành sau sắp xếp.

MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
TPO - Dù cố gắng dồn sức tháo gỡ ngay đầu năm, tháo gỡ cơ chế chính sách, làm cật lực nhưng quy mô nền kinh tế vẫn không tăng hơn nhiều so với các năm trước. Điều đó, cho thấy sự lớn mạnh của thành phố vẫn còn chậm, các bước nhịp chưa được nhanh, chưa có hoạt động đột phá để nâng cao giá trị…