Sập cầu Phong Châu: Một nhà thầu từng tham gia sửa chữa lên tiếng

0:00 / 0:00
0:00
Tháng 4/2023, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Ngọc Việt của ông Lê Anh Tuấn được Sở Giao thông vận tải Phú Thọ chọn làm nhà thầu sửa chữa cây cầu Phong Châu.

Sự việc một nhịp cầu Phong Châu (kết nối xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao với xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bất ngờ đổ sụp hoàn toàn, gây thiệt hại lớn cho các phương tiện lưu thông đang khiến người dân không khỏi bàng hoàng, đau xót.

Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, cầu Phong Châu được đưa vào sử dụng năm 1996 với tải trọng thiết kế H18-X60 gồm 8 nhịp, trong đó có 4 nhịp giản đơn dầm T33m bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, 3 nhịp dàn thép (66m+64m+80m) và 1 nhịp giản đơn dầm T21m bằng bê tông cốt thép thường. Với gần 30 năm khai thác, cây cầu vốn đã phải chịu nhiều ảnh hưởng, bị hư hỏng, lại cộng thêm siêu bão Yagi, mưa lũ tác động càng khiến tình trạng xấu thêm.

Sập cầu Phong Châu: Một nhà thầu từng tham gia sửa chữa lên tiếng ảnh 1
Hàng chục tỷ đã được rót vào cây cầu Phong Châu trong suốt nhiều năm qua. Ảnh: D.V

Trước đó, chính quyền tỉnh Phú Thọ đã giao cho Sở Giao thông vận tải tổ chức nhiều đợt sửa chữa lớn để đảm bảo giao thông và duy trì khả năng khai thác công trình, đồng thời làm mới lớp mặt cầu và lề bộ hành đồng bộ với những kết cấu dầm mới. Hàng chục tỷ đã được rót vào đây, suốt nhiều năm qua.

Chẳng hạn, mới nhất, hồi tháng 4/2023, Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ với tư cách là chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án xây dựng và bảo trì công trình giao thông làm bên mời thầu, đã tổ chức đấu thầu gói thầu "Thi công xây dựng công trình" với giá dự toán 4.408.565.000 đồng (4,4 tỷ đồng) thuộc dự án "Sửa chữa cầu Phong Châu, Km18+200, QL.32C, tỉnh Phú Thọ".

Tuy được đấu thầu rộng rãi, qua mạng, song chỉ có duy nhất 1 nhà thầu nộp hồ sơ đăng ký thực hiện và may mắn trúng gói thầu với giá rất sát so với giá dự toán là 4.400.019.019 đồng, chênh lệch là 8.545.981 đồng (8,5 triệu đồng). Nhà thầu được nhắc tới ở đây là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Ngọc Việt (viết tắt là Công ty Ngọc Việt), có trụ sở ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Người ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là ông Trần Hoài Giang - Giám đốc Sở Giao thông vận tải. Ngoài ra, tổ chuyên gia được Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng và bảo trì công trình giao thông thành lập theo Quyết định số 03/QĐ-QLBT ngày 3/3/2023 để thực hiện đánh giá E-HSDT (hồ sơ dự thầu) của gói thầu bao gồm: Ông Nguyễn Quốc Việt (tổ trưởng), ông Cao Quang Huy (tổ viên) và ông Nguyễn Quang Huy (tổ viên). Đây là những người đã chấm đạt cho E-HSDT của Công ty Ngọc Việt.

Trả lời Báo Công Thương về sự việc sập cầu Phong Châu, đại diện Công ty Ngọc Việt phán đoán nguyên nhân rất có thể đến từ tình hình bão lũ và thiên tai nặng nề trong những ngày gần đây.

"Nhịp cầu bị gãy đổ là do thiên tai, mưa lũ khiến nước sông Hồng dâng cao, làm thay đổi địa hình lòng sông khu vực này, tôi nghĩ như thế", đại diện Công ty Ngọc Việt phủ nhận trách nhiệm tại sự việc thương tâm này, đồng thời khẳng định: "Chúng tôi không làm gì để ảnh hưởng đến cây cầu cả, khi bắt tay vào thi công cách đây hơn 1 năm, hiện trạng của cây cầu cũng bình thường, không có vấn đề cần chú ý".

Vẫn theo vị này, mặc dù giá gói thầu lên tới 4,4 tỷ đồng, tuy nhiên, nhà thầu chỉ thực hiện đánh gỉ, sơn kết cấu nhịp dàn thép, sơn lại lan can, sửa chữa khe co giãn, sửa chữa và thay mới hệ thống chiếu sáng... trong thời hạn cam kết là 120 ngày. "Chỉ là các hạng mục nhỏ, bên ngoài, chứ không đụng chạm gì đến kết cấu bên trong", phía Công ty Ngọc Việt thông tin thêm.

Tiếp tục tìm hiểu, được biết, từ năm 2020 tới nay, Công ty Ngọc Việt đã tham gia và trúng toàn bộ 10 gói thầu do Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ và hay Ban Quản lý dự án xây dựng và bảo trì công trình giao thông phối hợp tổ chức, với tổng giá trị gần 64 tỷ đồng.

Tài liệu Báo Công Thương tìm hiểu được cho thấy, Công ty Ngọc Việt khi xưa hoạt động ở khu vực Hà Nội, địa chỉ đặt tại phố Cầu Gỗ, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Trước tháng 4/2018, doanh nghiệp có vốn điều lệ 9 tỷ đồng, do 3 cá nhân góp vốn, bao gồm: Ông Lê Anh Tuấn (SN 1985, sở hữu 10% cổ phần), bà Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1984, sở hữu 85%) và bà Nguyễn Thị Thuần (SN 1990, sở hữu 5%).

Sau đó, ông Lê Anh Tuấn đã củng cố quyền lực tại Công ty Ngọc Việt, bằng cách gia tăng tỷ trọng lên 85%. Ngược lại, hai vị nữ cổ đông đồng thời thoái vốn, thay vào đó là sự xuất hiện của ông Nguyễn Bá Trung (SN 1991), nhân vật nắm giữ 15% cổ phần còn lại của Công ty Ngọc Việt.

Ông Lê Anh Tuấn khi này làm Tổng giám đốc. Tuy nhiên, khá ngạc nhiên là ông chọn chuyển trụ sở Công ty Ngọc Việt từ Hà Nội sang Hà Nam (từ tháng 10/2018), thay vì đặt ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ - cái nôi sinh thành của vị doanh nhân này. Hiện, ông Tuấn vẫn là chủ Công ty Ngọc Việt với 85% cổ phần, chỉ khác, cổ đông lớn góp 15% cổ phần nay đã đổi sang ông Nguyễn Quốc Chí, bạn đồng niên của ông Tuấn.

Như đã trình bày phía trên, ngoài vai trò là đơn vị sửa chữa cầu Phong Châu hồi tháng 3/2023, tại Phú Thọ, Công ty Ngọc Việt tham gia sửa chữa các cây cầu khác như cầu Ngọc Tháp, cầu Mịn, cầu Hạ Hòa (tháng 3/2024), cầu Đồng Quang (tháng 8/2023), cầu Tình Cương và cầu Ngòi Giành (tháng 3/2022)...

Từ "bàn đạp" là các gói thầu to nhỏ ở quê hương, ông Lê Anh Tuấn còn vươn mình sang các tỉnh thành khác, trở thành nhà thầu quen thuộc của Trung tâm kỹ thuật đường bộ 3 (Bộ Giao thông vận tải, trụ sở ở Đà Nẵng) và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Kon Tum (UBND tỉnh Kon Tum).

Mỗi năm, doanh thu của nhà thầu lên tới hàng chục tỷ đồng, và đang tăng trưởng đều đặn từ năm 2018 tới nay. Theo số liệu mới nhất, năm ngoái, họ thu về 93,8 tỷ đồng từ việc thi công xây dựng các công trình giao thông, cầu đường; trừ các chi phí, lợi nhuận đạt 1,6 tỷ đồng.

Theo Công Thương
MỚI - NÓNG
Hơn 240 quân nhân Việt Nam tiếp tục đi gìn giữ hòa bình thế giới
Hơn 240 quân nhân Việt Nam tiếp tục đi gìn giữ hòa bình thế giới
TPO - Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, ngày 24/9 tới, 243 quân nhân thuộc biên chế Đội Công binh số 3 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 của Việt Nam sẽ lên đường tới châu Phi, thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (GGHB LHQ), thay thế cho Đội Công binh số 2 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5.
Giá vàng SJC bất ngờ tăng mạnh
Giá vàng SJC bất ngờ tăng mạnh
TPO - Chỉ trong một tiếng giao dịch sáng nay (17/9), giá vàng miếng SJC đồng loạt tăng 1,5 triệu đồng/lượng lên mốc 82 triệu đồng/lượng, trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng vọt.