Sập 140 điểm trong nửa tháng, chứng khoán về đâu?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giới phân tích nhận định, hiện tượng gọi ký quỹ (call margin) đang xảy ra, tạo thêm áp lực bán lên thị trường vốn đã trong trạng thái tâm lý yếu. Cuối các phiên giao dịch gần đây, tâm lý bán khá hoảng loạn. Vốn hóa HoSE bốc hơi 20 tỷ USD sau chưa đầy 10 phiên giao dịch.
Sập 140 điểm trong nửa tháng, chứng khoán về đâu? ảnh 1
Vốn hóa HoSE bốc hơi 20 tỷ USD sau chưa đầy 10 phiên giao dịch. Ảnh minh hoạ

Vốn hóa bốc hơi 20 tỷ USD

Phiên 20/4, VN-Index tiếp tục bị bao trùm bởi sắc đỏ, và là phiên giảm sâu thứ 5 liên tiếp, bất chấp những nỗ lực hồi phục nhen nhóm. Tính từ 6/4, chỉ sau chưa đầy 10 phiên giao dịch, đóng cửa ngày 20/4, chỉ số chính lùi về 1.384 điểm, bốc hơi tới 9%. Cũng trong khoảng thời gian này, vốn hoá HoSE giảm tương đương 9% (khoảng 544.000 tỷ đồng - 20 tỷ USD).

Trước ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 4, các hợp đồng tương lai VN30 đều cao hơn chỉ số cơ sở VN30 từ 4-5 điểm, cho thấy giới đầu tư không có nhiều kỳ vọng VN30 sẽ hồi phục trong phiên đáo hạn ngày mai.

Trong báo cáo hồi tháng 3/2022, Công ty chứng khoán VNDirect ước tính, quy mô dư nợ margin toàn thị trường hiện đạt khoảng 230.000 tỷ đồng (~10 tỷ USD) và đây là con số kỷ lục từ trước tới nay. Dư nợ margin liên tục tăng mạnh, lập đỉnh dù thanh khoản thị trường thời gian gần đây có phần hạ nhiệt

Giải thích về hoạt động margin, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết các công ty chứng khoán chia làm hai loại là gọi ký quỹ (margin call) và bán giải chấp tài khoản (force sell).

Khi tỷ lệ an toàn của tài khoản (Rtt) chạm ngưỡng quy định của các công ty chứng khoán (nhiều đơn vị áp dụng ngưỡng 80 - 87%), các nhà đầu tư sẽ bị gọi ký quỹ để nâng tỷ lệ Rtt của tài khoản.

Mức giá được sử dụng để tính tỷ lệ Rtt là giá đóng cửa của cổ phiếu. Tỷ lệ này được hệ thống của các công ty chứng khoán tự động tính. Ước tính với tài khoản đang sử dụng tỷ lệ vay margin 1:1 (hay 50:50), khi giá trị danh mục giảm khoảng 10 - 15%, hoạt động call margin sẽ diễn ra.

Tùy theo chính sách quản trị rủi ro của từng công ty chứng khoán, thời gian để nhà đầu chuẩn bị nộp tiền gọi ký quỹ sẽ là T+1 hoặc T+2 (có 1 hoặc 2 ngày để chuẩn bị tiền).

Có ba lý do để áp dụng chính sách 1 - 2 ngày cho call margin. Thứ nhất, nhà đầu tư có thời gian để có thể “xoay tiền” nộp vào tài khoản. Thứ hai là bán cổ phiếu cơ cấu danh mục để bù đắp số tiền gọi ký quỹ. Thứ ba là kỳ vọng thị trường hồi phục kéo tỷ lệ Rtt cao hơn.

Sau giai đoạn call margin, hoạt động bán giải chấp tài khoản diễn ra khi vi phạm tỷ lệ và nhà đầu tư không nộp ký quỹ. Với các công ty chứng khoán áp dụng chính sách T+1 gọi kỹ quỹ, hoạt động bán giải chấp bắt đầu vào 1h chiều hôm sau bằng lệnh MP, nhưng một số công ty chứng khoán có thể bán trong khung giờ 10h - 11h sáng. Với các công ty áp dụng T+2, lệnh bán giải chấp sẽ là 9h sáng bằng lệnh ATO.

"Ném chuột vỡ bình"

Theo ông Tuấn, hoạt động bán giải chấp có tính tiếp diễn. Nếu phiên tiếp theo giá cổ phiếu giảm tiếp sẽ kéo tỷ lệ Rtt giảm tạo ra hiệu ứng “hòn tuyết lăn”. Do vậy, hiện tượng giải chấp kéo dài trong quá trình thị trường đi xuống. Hiện tượng giải chấp sẽ cân bằng khi lượng giải chấp hết.

Ngoài ra, hiện tâm lý nhà đầu tư còn chịu ảnh hưởng bởi liên tiếp những sai phạm trên thị trường chứng khoán bị phanh phui, cấu trúc dòng tiền trên thị trường cũng bị ảnh hưởng sau vụ trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Ông Tuấn cho biết, đây là lần đầu tiên trong gần 20 năm đầu tư trên thị trường, ông được chứng kiến việc dọn dẹp pháp lý, nên khó có mô hình tương tự để tham chiếu.

“Giai đoạn năm 2012, khi tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, lúc đó thị trường chứng khoán cũng bị ảnh hưởng, nhưng mức độ còn nhỏ, khi vốn hoá chỉ khoảng 6 tỷ USD. Lần này, đâu đó có việc ném chuột vỡ bình, việc dọn dẹp lại tính pháp lý của thị trường, không ai muốn đi vào sóng giảm mạnh như thế. Vốn hoá cả sàn bằng 100% GDP, khoảng 350 tỷ USD, chỉ số chính giảm 10%, đâu đó đã bay 35 tỷ USD”, ông Tuấn bình luận.

CTCK SHS dự báo khả năng cao thị trường sẽ có thể xuất hiện phiên hồi phục kỹ thuật, ngưỡng 1.430 điểm sẽ trở thành kháng cự của VN-Index trong thời gian tới.

Nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên hồi phục kỹ thuật để giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu, chỉ giữ lại những mã cổ phiếu chưa bị gãy nền và kiên nhẫn chờ đợi thêm cho đến khi thị trường hình thành vùng tích lũy ổn định mới, cơ hội mua trở lại chỉ xuất hiện khi thị trường và các cổ phiếu sau giai đoạn điều chỉnh sẽ tích lũy đủ để tạo nền tảng tin cậy.

MỚI - NÓNG