Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Sao không giảm chỗ nào mà giảm ở cơ quan dân cử?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp. Ảnh: TTxvn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp. Ảnh: TTxvn
TP - Hai đề xuất nhận được nhiều ý kiến trao đổi tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/7 là việc tăng số lượng phó chủ tịch UBND cấp xã loại II và giảm phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Theo phương án được đưa ra, cả nước sẽ tăng khoảng 5.500 phó chủ tịch UBND cấp xã loại II, và giảm 63 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh.

Không có bí thư tỉnh ủy nào là ĐBQH

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, định hướng chung là ngày càng tăng số lượng đại biểu chuyên trách và nâng cao chất lượng cơ quan dân cử, để thực hiện chức năng kiểm soát quyền lực. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân không đồng tình với ý kiến cho rằng, thời gian qua có 2 phó chủ tịch HĐND ở địa phương làm tăng biên chế. “Bây giờ lấy lý do đề xuất giảm không có cơ sở. Vừa rồi HĐND các tỉnh họp đều đề nghị không giảm số lượng này”, Chủ tịch Quốc hội nói. 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, phương án Ủy ban Pháp luật đưa ra có vẻ dung hòa, nơi nào bí thư kiêm Chủ tịch HĐND thì bố trí 2 phó chủ tịch. Nhưng ở cấp huyện có thể giảm, còn với cấp tỉnh thì cân nhắc. Đáng lưu ý, liên quan đến vấn đề bí thư đồng thời làm Chủ tịch HĐND, theo quy định, một người không giữ 3 chức vụ vừa làm bí thư, vừa làm chủ tịch HĐND, vừa làm trưởng đoàn ĐBQH. 

“Nếu quy định như thế này thì Quốc hội khóa tới không có bí thư tỉnh ủy nào là ĐBQH, thì có phải hay không? Quan điểm của tôi là không nên giảm phó chủ tịch HĐND tỉnh, vì có nhiều việc làm để nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của cơ quan dân cử. Sao không giảm chỗ nào mà cứ giảm cơ quan dân cử?" 

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh


“Nếu quy định như thế này thì Quốc hội khoá tới không có bí thư tỉnh ủy nào là ĐBQH, thì có phải hay không? Quan điểm của tôi là không nên giảm phó chủ tịch HĐND tỉnh, vì có nhiều việc làm để nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của cơ quan dân cử. Sao không giảm chỗ nào mà cứ giảm cơ quan dân cử?", Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị rà soát lại, xem những vấn đề dự kiến tiếp thu có phù hợp với nghị quyết của Trung ương không. “Trong tình hình hiện nay, chúng ta phải tăng cường vai trò của cơ quan dân cử. Đó là xu thế và tăng cường hiệu lực hoạt động, tăng cường hiệu quả, sức mạnh của cơ quan dân cử trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương và việc giám sát. Cho nên không thể nào đi theo hướng tinh giản bộ máy của cơ quan dân cử. Nếu làm như thế, tôi cho là đi ngược xu thế”, ông Phùng Quốc Hiển nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, cần đi sâu vào vấn đề khoa học quản lý nhà nước chứ không phải giảm bao nhiêu sở, bao nhiêu ngành, hay bao nhiêu người. Nguyên tắc là Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ. “Vậy Đảng lãnh đạo như thế nào? Chính quyền quản lý qua hệ thống hành pháp, vậy dân làm chủ qua cơ chế nào? Có phải qua cơ chế dân cử không hay là qua cơ chế tập thể?”, ông Bình nêu.

Ngoài ra, ông cũng băn khoăn về việc giảm biên chế nhưng chưa thấy hiệu quả quản lý nhà nước. 

“Rõ ràng thời gian vừa qua, việc giám sát quyền lực của chúng ta chưa mạnh. Tiêu cực hiện nay ở các địa phương thì vai trò của HĐND ở chỗ nào? HĐND đã phát huy vai trò của mình chưa? Tôi thấy lo lắng khi chúng ta đi sắp xếp lại hệ thống dân cử, còn hệ thống Ủy ban thì giữ nguyên”, 
ông Bình nói.

Đừng tách nhập nữa

Đối với văn phòng cơ quan giúp việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị để 2 phương án: Phương án 1 là 2 văn phòng và phương án 2 là nhập 3 văn phòng như thí điểm. “Nhập vào tách ra lần này là lần thứ 3. Lúc tôi làm ở Hải Dương cũng tách ra nhập vào, rồi khi làm luật khoá 13 lại tách ra, giờ lại nhập vào. Lần này đừng có tách ra nhập vào nữa, cứ mỗi lần làm thế thay đổi con dấu rồi đủ thứ chuyện", bà Ngân nêu, đồng thời đề nghị trong tháng 10 tới sẽ đánh giá về phương án hợp nhất 3 văn phòng đang thí điểm, để phục vụ Quốc hội kỳ họp tới, qua tháng 11 có cơ sở đánh giá tác động. 

Cùng đề cập việc thực hiện thí điểm sáp nhập 3 văn phòng (Văn phòng HĐND, UBND, Văn phòng Đoàn ĐBQH) ở 12 địa phương, theo ông Phùng Quốc Hiển, qua thí điểm thấy có những vấn đề nảy sinh. “Như chánh văn phòng, một bên vừa đưa ra các vấn đề của UBND để trình ra HĐND, bên này lại báo cáo thẩm tra, sau này lại tiếp thu, giải trình. Văn phòng như cái cổ, giờ 1 cổ phụ 2 đầu, không biết ngoái kiểu nào”, ông Phùng Quốc Hiển ví von. 

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân lý giải, sau hợp nhất, văn phòng đều có cơ quan nghiên cứu phục vụ. Dù 2 hay 3 văn phòng thì cũng chỉ là cơ quan phục vụ thôi, sau này thí điểm xong sẽ quyết định. Ông Tân cũng cho rằng, có thể xin ý kiến Bộ Chính trị về 2 phương án trên.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, không nên đặt vấn đề tinh giảm ở cơ quan dân cử mà bên Chính phủ lại không đả động gì. Theo ông Tân, đối với cấp xã loại II, dự kiến sẽ có 50% xã sáp nhập. Trong đợt 1 sẽ sáp nhập hơn 600 xã. Quy mô sau sáp nhập lớn như thế, nếu chỉ có 1 phó chủ tịch UBND thì sẽ rất khó khăn. 

MỚI - NÓNG