>Phỏng vấn xin việc: Nếu là siêu nhân bạn muốn là ai?
Việc bỏ cuộc giữa chừng rất phổ biến trong cuộc sống, từ chuyện làm đẹp, rèn luyện sức khỏe cho đến học hành và gây dựng sự nghiệp.
Nếu không kiên nhẫn, rất dễ bỏ cuộc nửa chừng (Ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: Shutterstock. |
Ba lần tập bơi vẫn chỉ biết… lội
N.N, nhân viên một tập đoàn lớn của Mỹ có trụ sở tại TP.HCM, kể lại về quá trình học bơi trên 10 năm của mình: “Trước đây, một trong những mục tiêu bắt buộc phải thực hiện trong thời điểm bấy giờ của mình là biết bơi. Mình đóng 700.000 đồng cho một khóa học, đi sắm sửa áo bơi 1 mảnh, 2 mảnh, mũ, kính đủ cả. Mọi thứ đã sẵn sàng. Lúc đầu thì quyết tâm lắm, tự đặt mục tiêu là phải biết bơi trong vòng 1 tháng. Học đến buổi thứ 3 thì mình và người yêu ấn định ngày cưới. Hồ bơi thì nắng như lửa, thoa kem chống nắng chẳng ăn thua gì. Mình nghĩ cảnh cô dâu mà mặc váy cưới hở lưng, lộ ra một mảng da đen cháy, thấy hãi quá nên nghỉ học”.
Cưới xong một thời gian, N.N nuôi ý định học bơi trở lại để cho dáng người thêm săn chắc, đi đâu lỡ ngã xuống sông, xuống ao thì cũng không lo chết đuối. Rút kinh nghiệm lần trước, cô chọn một hồ bơi có mái che. Mặc dù học phí chỉ 800.000 đồng, cô đóng cả 1,8 triệu đồng để mong thầy tận tình xuống nước chỉ dạy cho nhanh.
Thế nhưng, ông thầy này rất “độc đáo”, không chịu xuống hồ mà dạy lý thuyết xong là thả phao cho trò tự bơi. Khi nào trò đuối quá la lên “thầy ơi, thầy ơi!” thì thầy thả cho cái sào bám để kéo vô. N.N xuống nước hoài mà cứ khua lạch bạch, không bơi được. Đã thế, mùa mưa tới sớm ngoài dự định, ngâm mình dưới hồ lạnh run. Thế là… gãy gánh lần 2.
Lần 3, khí thế học bơi không ồn ào nữa. N.N tự nhủ quá tam ba bận, lần này quyết không bỏ cuộc. Trớ trêu thay, mới học buổi thứ 2 thì đến kỳ kinh nguyệt nên phải tạm nghỉ. Nhưng rồi qua những ngày đó, N.N cũng không đến hồ và thế là “sự nghiệp học bơi” chấm hết. Hàng chục bộ đồ bơi yêu kiều, gợi cảm giờ nằm im trong xó tủ.
Xe đạp trở lại rồi… ra đi
Cách đây vài năm, giới trẻ bỗng dưng thích thú tìm về với xe đạp. Có thể kể nhiều lý do như xăng tăng giá, muốn sống chậm để cảm nhận cuộc sống, hoặc đôi khi là một cái thú khác người… Lúc đó, P.L cùng nhóm bạn lập ra hội xe đạp, cứ cuối tuần là tụ tập, ai nấy đều ăn mặc đẹp, rồi đạp xe đi cà phê hoặc dã ngoại rất vui. Thậm chí, hội còn cấm các thành viên không được dùng xe máy đi làm. Ai đi xe máy nếu bị bắt gặp sẽ chịu phạt 50.000 đồng.
Cái gì mới mẻ cũng đều thú vị, hấp dẫn. P.L đi làm bằng xe đạp trong ánh mắt trầm trồ của nhiều đồng nghiệp. Cô chia sẻ hằng ngày trên Facebook về việc hôm nay đạp xe trên đường vắng trong buổi sớm tinh mơ, không gian thật trong lành, góc phố đầy hoa nở, không những thấy mình thảnh thơi mà có khi còn giúp giảm cân. Thế rồi, 2 tuần sau, Facebook của cô bắt đầu xuất hiện những dòng tâm tư: “Đạp xe đi làm về, tắc đường, đi sau đít người ta hít khói, bực mình ghê”, rồi thì: “Hôm nay bị trễ họp, lúc trên đường chỉ ước sao cho cái xe đạp có tay ga”. Cuối cùng thì cô đầu hàng hẳn: “Trở lại với xe máy thôi, xe đạp chỉ để cuối tuần đi chơi”. Tính ra, đến nay, tiền nộp phạt của hội xe đạp của P.L đủ để tổ chức một chuyến du lịch Phú Quốc bằng máy bay.
Mập ốm có số !
Sau khi lập gia đình, chị Trần Lê P. (26 tuổi, ngụ đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức, TP.HCM) bỗng nhiên “phát triển toàn diện”. Đến lúc nặng gần 72 kg, chị P. bắt đầu ý thức việc cần phải giảm cân để bảo vệ sức khỏe và có thân hình đẹp trong mắt chồng. Nghe lời giới thiệu của bạn bè, chị mua một dây đai bụng giá 800.000 đồng về tập cho tan mỡ. Nhưng chị chỉ kiên trì được… 2 ngày thì bỏ hẳn. Giải thích lý do bỏ cuộc giữa chừng, chị P. cho rằng do bận công việc từ sáng tới tối nên không có thời gian rảnh để tập. “Tập 2 ngày mà thấy không giảm mỡ gì hết nên thôi”, chị P. kết luận.
Đồng hội đồng thuyền với chị P. là trường hợp chị Nguyễn Yến T. (27 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM). Trong quá trình giảm cân, chị T. luôn muốn đốt cháy giai đoạn, mong cơ thể mình sớm có vóc dáng thanh mảnh. Đầu tiên, chị dự định mua vòng lắc bụng, dạng vòng đơn về tập. Nhưng suy đi nghĩ lại, chị quyết định mua vòng đôi, với mục đích tăng hiệu quả. Vậy mà chỉ lắc được một ngày, chị dừng hẳn. “Tập vòng đau bụng quá. Với lại, tui nghe người ta nói, lắc vòng bụng nhiều sẽ dễ bị u xơ tử cung, nên thôi”, chị T. phân bua.
Thua keo này bày keo khác, chị T. chuyển sang chế độ ăn kiêng. Ban đầu là theo cách nhịn ăn. Trong 2 ngày liền, chị nhịn ăn từ sáng đến tối. Tuy nhiên, đêm đến thấy đói bụng không chịu nổi, chị “quất” liền 2 tô phở. Phương pháp trên không thành, chị đến bác sĩ dinh dưỡng để nhờ trợ giúp. Sau đó, chị thực hiện chế độ ăn kiêng theo toa bác sĩ. “Ngặt nỗi, khâu chuẩn bị thức ăn, nấu nướng phiền phức và mất công quá nên bây giờ tôi bỏ luôn, không giảm cân chi nữa”, chị T. cho biết.
Ngược lại, chị Trần Thị Nhung (24 tuổi, ngụ P.1, TP.Vũng Tàu) lại ao ước tăng cân vì quá gầy so với chiều cao của chị. Quyết chí bồi bổ cơ thể, mỗi ngày chị ăn 6 - 7 bữa cơm. Sữa thì uống thay nước. Sau 3 tháng, cơ thể chị chỉ tăng gần 0,5 kg. Ngao ngán, chị bỏ cuộc luôn tới giờ. Chị Nhung tự an ủi: “Thôi kệ, mập ốm có số! Tại số phận mình nó vậy, có ăn gì cũng không mập nổi”.
Tương tự, quá trình phấn đấu để tăng cân của chị Q.T (Q. Tân Phú, TP.HCM) diễn ra dằng dặc bao nhiêu năm đến nay vẫn không có kết quả. Cứ nghe ở đâu chia sẻ bí quyết tăng cân, Q.T đều làm thử nhưng sau nửa tháng thấy cái má vẫn hóp, người vẫn gầy nên lại bỏ.
Gần đây, chị chấp nhận “xấu cũng được” vì không thể theo tập lớp thể dục thẩm mỹ, do lớp này mở lúc 6 giờ sáng - thời điểm chị có thói quen ngủ ngon nhất. “Mình là đứa thiếu kiên trì, lại hay nóng vội, cái gì cũng muốn có kết quả ngay, trong khi làm việc gì cũng phải có quá trình, đòi hỏi sự bền bỉ, lâu dài.
Đó chính là lý do mình thất bại trong việc tăng cân. Ngoài ra, cả việc học tiếng Anh cũng tương tự. Lười học, đi làm về ngại đến lớp, rồi viện lý do này nọ, thiếu quyết tâm nên bỏ cuộc”, Q.T nhìn nhận.
Rèn luyện ý chí Trong học tập hoặc và làm việc, những người thành công thường là những người có ý chí và nghị lực, biết đối mặt và vượt qua khó khăn. Do vậy, để không phải bỏ cuộc giữa chừng, người trẻ nên rèn luyện cho mình một ý chí, dám đương đầu với thử thách, tránh tâm lý sợ thất bại. Ngoài nỗ lực của bản thân, chúng ta cũng cần tìm, học hỏi phương pháp thành công của những người đi trước để rút ra kinh nghiệm cho chính mình. Trần Tấn Tài Vạch ra kế hoạch chi tiết Bạn sẽ rất khó gượng dậy nếu để tâm lý vỡ mộng đè nặng khi không đạt được kết quả như mình đặt ra ban đầu. Theo tôi, trước khi làm điều gì đó, bạn nên vạch ra kế hoạch thật cụ thể, chi tiết cho những tình huống tốt nhất lẫn xấu nhất xảy ra. Đến khi thực hiện, nếu gặp phải những tình huống xấu, bạn cũng đã có phương án dự phòng để giảm thiểu những tổn thất, đồng thời cũng không bị quá sốc. Trần Quang Tâm M.Luân - L.Thanh (ghi) |
Theo Mỹ Quyên- Minh Luân
Thanh Niên