Sản xuất vaccine cúm A/H1N1: Vướng mắc do cơ chế quản lý

Sản xuất vaccine cúm A/H1N1: Vướng mắc do cơ chế quản lý
TP - “Vướng mắc trong việc triển khai sản xuất vaccine cúm A/H1N1 không phải từ chuyên môn, mà do cơ chế quản lý, cách điều hành các quỹ, ứng dụng các sản phẩm mới” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) nói.
Sản xuất vaccine cúm A/H1N1: Vướng mắc do cơ chế quản lý ảnh 1
Cấy chủng chuẩn vào phôi trứng gà tại IVAC

IVAC là đơn vị chủ trì đề tài Nghiên cứu quy trình sản xuất vaccine cúm A/H5N1 trên trứng gà có phôi, cuối năm 2008 đã nghiệm thu cấp cơ sở.

Hội thảo nghiên cứu phát triển vaccine cúm ở người do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Đại sứ quán Hoa Kỳ, và Bộ Y tế Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 8/6/2009 đã xác nhận, đây là công nghệ khả thi nhất, có thể phát triển ngay vaccine cúm A/H1N1 mới.  

Bộ KH&CN chưa biết số lượng đề tài vaccine cúm A/H1N1

Hiện tại, Bộ Khoa học&Công nghệ nhận được bao nhiêu đề tài nghiên cứu vaccine cúm A/H1N1 vẫn chưa xác định được, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Truyền thông Khoa học & Công nghệ (Trung tâm), Bộ Khoa học&Công nghệ, cho biết.

Theo hướng dẫn của bộ phận hành chính Bộ KH&CN, tất cả phát ngôn của Bộ KH&CN sẽ do bên Trung tâm đảm trách. Thế mà, chiều qua, theo ông Hải, Trung tâm chưa định vị được việc Bộ KH&CN có nhận được đề tài nghiên cứu vaccine cúm A/H1N1 hay chưa.  

WHO đã tài trợ 2,7 triệu USD để IVAC xây dựng xưởng điều chế vaccine tại Suối Dầu (Cam Lâm, Khánh Hoà). Cuối tháng 8/2009, việc lắp đặt thiết bị tại đây sẽ hoàn tất. 

Ngày 17/6/2009, IVAC đăng ký đề tài độc lập cấp nhà nước Nghiên cứu ứng dụng quy trình nuôi cấy trên trứng gà có phôi để sản xuất vaccine cúm A/H1N1 mới.

Ngày 23/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký công văn gửi Bộ KH&CN, cho biết, Bộ Y tế ủng hộ về chủ trương cho phép IVAC triển khai sản xuất vaccine cúm A/H1N1.

Ngày 22/7, hội đồng khoa học và công của Bộ KH&CN thông qua đề tài của IVAC. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hiệp, Bộ KH&CN nghệ yêu cầu, IVAC phải hoàn thiện quy trình sản xuất vaccine cúm A/H5N1 trên trứng gà có phôi và thử nghiệm lâm sàng, trước khi có thể triển khai sản xuất vaccine cúm A/H1N1 mới.    

Theo quy trình sản xuất vaccine, virus cúm được nuôi trong khoang niệu của trứng gà có phôi (10 - 11 ngày tuổi), sau đó được thu hoạch, bất hoạt, phá hủy lấy kháng nguyên, từ đó, pha chế vaccine thành phẩm.

IVAC đã đề nghị Viện Quốc gia về Tiêu chuẩn & Kiểm định Sinh học (NIBSC, Anh) chuyển cho ba chủng virus, được WHO chấp nhận là chủng chuẩn cho việc sản xuất vaccine cúm A/H1N1 là NIBRG-121, IVR - 153 và NYMC X - 179A. Ngày 25/7, IVAC nhận được ba chủng virus chuẩn này.

Lô trứng để nuôi cấy virus (Specific Pathogenic Free - SPF, tạm gọi là trứng siêu sạch) được gửi từ Đức sẽ về đến IVAC ngày hôm nay, 5/8.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hiệp cho biết, trong khoảng sáu tháng, IVAC có thể sản xuất đại trà vaccine cúm A/H1N1. Sau khoảng ba tháng nữa để kiểm định và thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người, vaccine có thể được sử dụng rộng rãi.

Tuy nhiên, “ngoài chuyện đầu tiên là tiền để làm, còn cơ chế xét duyệt để ứng dụng sản phẩm của chúng tôi. Với cơ chế hành chính bao cấp, khó nhanh như thế được”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hiệp lo ngại.

MỚI - NÓNG