Sản phẩm nhựa khó phân huỷ chủ yếu được sản xuất trong nước

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thông tin được ông Hà Trung Cang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM cho hay tại chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” chủ đề “Công tác bảo vệ môi trường - Vấn đề rác thải nhựa”, do HĐND TPHCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình TPHCM tổ chức ngày 1/10.

Trả lời ý kiến cử tri về các mặt hàng nhựa khó phân huỷ được buôn bán tràn lan trên thị trường, ông Hà Trung Cang cho biết đơn vị đã kiểm tra và xử lý các điểm kinh doanh các mặt hàng, sản phẩm này. Cũng từ công tác kiểm tra, đơn vị đã phát hiện các sản phẩm trên chủ yếu được sản xuất trong nước và ở các cơ sở nhỏ lẻ tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành.

Sản phẩm nhựa khó phân huỷ chủ yếu được sản xuất trong nước ảnh 1

Ông Hà Trung Cang thông tin tại chương trình. (Ảnh chụp màn hình)

Ông Cang nói thêm, theo quy định, các sản phẩm bao bì nhựa, khó phân huỷ trước khi lưu thông trên thị trường phải được kiểm định chất lượng. Đặc biệt, các loại bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm còn phải công bố hợp quy và phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh.

“Cục đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hoá nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng hoá không rõ xuất xứ, trong đó có bao bì nhựa khó phân huỷ. Đối với những sản phẩm này, ngành buộc phải tiêu huỷ tất cả những loại hàng hoá vi phạm”, ông Cang khẳng định.

Sản phẩm nhựa khó phân huỷ chủ yếu được sản xuất trong nước ảnh 2

Người dân TPHCM vẫn còn xả rác bừa bãi ra khu dân cư, ngay tại biển "cấm đổ rác". Ảnh: Ngô Tùng

Tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết phần lớn rác thải nhựa có giá trị tái chế cao đã được người dân, chủ nguồn thải hoặc các đơn vị, cá nhân thu gom tại nguồn, thực hiện phân loại để chuyển giao đến các cơ sở tái chế. Còn rác thải nhựa có giá trị tái chế thấp hoặc không có khả năng tái chế thì được vận chuyển đến các trạm trung chuyển và khu xử lý chất thải rắn tập trung.

Sản phẩm nhựa khó phân huỷ chủ yếu được sản xuất trong nước ảnh 3

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ.

Theo bà Mỹ, để giảm thiểu lượng chất thải nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt, thành phố thực hiện giải pháp ưu tiên là ngăn ngừa, giảm thiểu phát sinh, tăng cường phân loại tại nguồn, đồng thời cần có phương pháp thu hồi, thu gom, xử lý đạt yêu cầu bảo vệ môi trường nhằm hạn chế chất thải nhựa bị thải bỏ ra môi trường tự nhiên, sông, biển. Cùng với đó, sở cũng sẽ tham mưu, đề xuất với thành phố một số chính sách cho doanh nghiệp, từ việc quy hoạch ngành công nghiệp tái chế trên địa bàn thành phố, việc phân phối sản phẩm thân thiện môi trường, đến việc ưu tiên thu hồi, tái chế các loại chất thải.

“Việc này sẽ được đặt trọng tâm nghiên cứu trong khi chờ các cơ chế, chính sách của ngành được ban hành để áp dụng chính thức theo Luật Bảo vệ môi trường 2020”, bà Mỹ nói.

Theo thống kê, rác thải nhựa chiếm hơn 23% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại TPHCM. Trong khoảng 9.000 tấn rác phát sinh hằng ngày trên địa bàn thành phố, có 1.800 tấn rác thải nhựa, nhưng chỉ có 200 tấn được thu hồi, tái chế. Rác thải nhựa xuất hiện khắp nơi trên địa bàn thành phố, đặc biệt là trên các con sông, kênh rạch.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.