Công an nói gì về tính bảo mật dữ liệu của số định danh điện tử?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dữ liệu định danh điện tử không lưu trên thiết bị cá nhân được cài đặt mà lưu trên hệ thống quản lý nên các mã độc không thể xâm nhập vào hệ thống để đánh cắp thông tin người dùng.

Ngày 11/12, Hội đồng nhân dân TPHCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Thành phố tổ chức chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” tháng 12 với chủ đề “Đăng ký và quản lý cư trú”.

Đây là dịp đánh giá các kết quả đạt được trong quá trình triển khai các quy định pháp luật về đăng ký, quản lý cư trú, việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về cư trú cùng với xây dựng và quản lý CSDL căn cước công dân (CCCD) để triển khai sử dụng ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư.

Tại chương trình, cử tri Song Quốc nêu ý kiến, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam bằng hộ chiếu do nước ngoài cấp đã được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú. Tuy nhiên, công an phường, xã, thị trấn vẫn yêu cầu có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam. Cử tri này thắc mắc điều này là đúng hay không và những giấy tờ minh chứng này là những gì?

Công an nói gì về tính bảo mật dữ liệu của số định danh điện tử? ảnh 1

Cử tri nêu ý kiến tại chương trình (Ảnh chụp màn hình)

Trả lời điều này, Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TPHCM cho biết yêu cầu trên là đúng theo Thông tư 55 của Bộ Công an. Về giấy tờ, tài liệu chứng minh cũng được quy định rõ, bao gồm: Giấy khai sinh; CMND/ CCCD, hộ chiếu VN; quyết định của Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch/ cho trở lại quốc tịch VN...

Công an nói gì về tính bảo mật dữ liệu của số định danh điện tử? ảnh 2

Thượng tá Hồ Thị Lãnh trao đổi tại chương trình (Ảnh chụp màn hình)

Đại diện Công an TPHCM cũng giải đáp những khúc mắc của người dân, cử tri về các biện pháp an toàn, bảo mật thông tin của hệ thống dữ liệu thuộc hệ thống định danh điện tử (ĐDĐT).

Theo đó, hệ thống được bảo mật duy nhất và tuyệt đối do được xác thực từ CSDL quốc gia về dân cư. Đây là dữ liệu do Chính phủ giao Bộ Công an xây dựng và phát triển. Bộ cũng đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, thuật toán tiên tiến để bảo mật hệ thống.

“Khi chúng ta cài đặt mã ĐDĐT trên ứng dụng VNeID thì dữ liệu ĐDĐT không lưu trên thiết bị được cài mà lưu trên hệ thống ĐDĐT quản lý nên các mã độc không thể xâm nhập vào hệ thống để đánh cắp thông tin”, thượng tá Lãnh khẳng định.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Võ Thị Trung Trinh cho biết hệ thống thông tin giải quyết TTHC của thành phố đã được kết nối và tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, đồng thời kết nối Hệ thống xác thực ĐDĐT để chia sẻ, xác thực thông tin công dân với CSDL dân cư quốc gia. Các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có thể sử dụng một tài khoản duy nhất để sử dụng dịch vụ công trực tuyến của thành phố cũng như cổng của quốc gia.

Trao đổi tại chương trình, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM nhấn mạnh, Đề án 06 của Chính phủ là rất kịp thời, cần thiết và phù hợp với xu thế cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, đến nay, lực lượng Công an thành phố đã cấp được gần 7 triệu CCCD gắn chip điện tử và 1,2 triệu tài khoản định danh điện tử.

Công an nói gì về tính bảo mật dữ liệu của số định danh điện tử? ảnh 3

Cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM tích cực hỗ trợ cấp CCCD gắn chip cho người dân.

Ảnh: CTV

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.