Tích hợp dữ liệu bảo hiểm lên căn cước công dân có gắn chíp

0:00 / 0:00
0:00
BHXH Việt Nam dự tính sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ BHYT giấy và điện tử đang áp dụng. Ảnh người dân sử dụng thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng VssID trong khám chữa bệnh BHYT.
BHXH Việt Nam dự tính sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ BHYT giấy và điện tử đang áp dụng. Ảnh người dân sử dụng thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng VssID trong khám chữa bệnh BHYT.
Sau khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (cơ sở dữ liệu dân cư) chính thức đi vào vận hành và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam. Với việc vận hành dữ liệu kết nối này, thời gian tới ngành Bảo hiểm sẽ cắt giảm thêm một số thủ tục hành chính cho người dân, trong đó có tiến tới tích hợp thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT) vào Căn cước công dân có gắn chíp để thay cho thẻ giấy.

Chuẩn hóa dữ liệu BHXH, BHYT

Từ ngày 1/7, hệ thống Cơ sở dữ liệu dân cư chính thức vận hành, BHXH Việt Nam là cơ quan đầu tiên ngoài ngành Công an được lựa chọn để triển khai dịch vụ kết nối và xác thực dữ liệu Bảo hiểm với dữ liệu dân cư.

BHXH Việt Nam cho biết, tới đây sẽ đề xuất các cấp ngành cho phép sử dụng Căn cước công dân có gắp chíp thay thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh. Nếu kết nối này thành công, người dân khám chữa bệnh BHYT sẽ không cần phải sử dụng thẻ giấy hay ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam như hiện hành.

Thay vào đó, các bệnh viện có thể đọc thông tin từ mã vạch QR code trên Căn cước công dân, sau đó gửi yêu cầu đến cơ quan BHXH và nhận lại thông tin để thực hiện việc khám chữa bệnh BHYT. Điều này tương tự việc sử dụng thẻ BHYT giấy, hoặc dùng thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam trong khám chữa bệnh (áp dụng toàn quốc từ ngày 1/6).

Trao đổi với báo chí, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thời gian qua, BHXH Việt Nam và Bộ Công an đã cử đầu mối phối hợp để thực hiện kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu giữa 2 ngành. Đây là 2 trong số 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng được Chính phủ ưu tiên triển khai để tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử và chuyển đổi số của Quốc gia.

“BHXH Việt Nam vinh dự là đơn vị đầu tiên ngoài ngành Công an được lựa chọn triển khai kết nối và xác thực dữ liệu từ cơ sở dữ liệu dân cư. Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu thành công có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ cho việc triển khai nghiệp vụ của hai ngành, còn làm tiền đề để triển khai đầy đủ các dịch vụ dữ liệu trên các cơ sở dữ liệu quốc gia. Từ đó tạo sự sẵn sàng để kết nối, chia sẻ với các bộ ngành, tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định”, ông Mạnh nói.

Cũng theo người đứng đầu BHXH Việt Nam, việc kết nối và chia sẻ giữa liệu giữa ngành Bảo hiểm và Công an đã giúp BHXH xác thực thông tin nhân khẩu hộ gia đình tham gia BHYT từ cơ sở dữ liệu dân cư, để chuẩn hóa dữ liệu nhân khẩu trong dữ liệu bảo hiểm.

Tới nay, BHXH Việt Nam đã thực hiện việc rà soát, đối chiếu với 8,1 triệu thông tin cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cũng từ ngày 28/5, BHXH Việt Nam triển khai xác thực thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu dân cư khi công dân đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam, và trên ứng dụng VssID - BHXH số. Qua đối chiếu dữ liệu, cá nhân không cần đính kèm ảnh căn cước công dân, cơ quan BHXH cũng không phải lưu giữ, giảm nguy về bảo mật.

Giảm thủ tục, gọn giấy tờ

Thời gian tới, theo ông Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu bảo hiểm với dữ liệu dân cư, để không chỉ dừng ở việc xác thực thông tin, sẽ đề nghị Bộ Công an phối hợp để ngành BHXH khai thác “thông tin cơ bản cá nhân” nhằm cập nhật, chuẩn hoá cơ sở dữ liệu bảo hiểm gốc (theo Nghị định 43/2021).

“Đây là nhiệm vụ quan trọng, tạo tiền đề để BHXH Việt Nam chuẩn hoá cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và sẵn sàng chia sẻ cho các tổ chức, cá nhân liên quan”, ông Mạnh nói.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành BHXH cũng khẳng định, sẽ đề xuất các cấp ngành cho phép sử dụng Căn cước công dân có gắp chíp thay thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh. Ngoài ra, BHXH Việt Nam sẽ rà soát rút gọn quy trình, cải cách thủ tục hành chính, hướng tới bỏ các yêu cầu đính kèm giấy tờ tùy thân đối với cá nhân đã được xác thực thông tin khi giao dịch với cơ quan BHXH.

BHXH Việt Nam cũng hướng tới ứng dụng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay của người dân trên thẻ Căn cước công dân có gắn chíp vào việc chống lạm dụng quỹ BHXH, BHYT. Khi ứng dụng được công nghệ này, người dân không thể mượn giấy tờ của người khác để lạm dụng trục lợi quỹ BHXH, BHYT khi hưởng các chế độ bảo hiểm.

BHXH Việt Nam cho hay, hiện cơ sở dữ liệu của ngành đang quản lý thông tin của toàn bộ người tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Năm 2020, toàn ngành BHXH Việt Nam tiếp nhận và giải quyết 87 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (chưa kể khoảng 170 triệu hồ sơ khám chữa bệnh BHYT liên thông trên hệ thống Giám định BHYT).

Trong 6 tháng đầu năm nay, có trên 38 triệu hồ sơ giao dịch điện tử về BHXH được tiếp nhận và giải quyết. Đến hết ngày 19/6, toàn quốc có trên 13,2 triệu hồ sơ đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH trên Cổng Dịch vụ công BHXH và trên ứng dụng VssID được duyệt (đạt 52,3% kế hoạch).

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.