Săn học bổng để nghiên cứu sáng tạo

Ba chàng sinh viên đang trong phòng thực hành.
Ba chàng sinh viên đang trong phòng thực hành.
TP - Nhóm PIV-VK của Khoa Điện tử viễn thông (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) liên tiếp gặt hái những kết quả cao trong các cuộc thi sáng tạo công nghệ sinh viên toàn quốc. Thành viên nhóm là 3 chàng trai nghèo chuyên săn học bổng lấy kinh phí cho các đề tài nghiên cứu sáng tạo.

Trung tuần tháng 11/2014, nhóm PIV-VK của Lê Đình Hiếu, Nguyễn Hữu Vinh, Phan Ngọc Điệp vượt qua 8 đội ở vòng chung kết giành giải nhì cuộc thi thiết kế hệ thống, thiết bị điện tử ứng dụng (TI MCU) toàn quốc năm 2014. Sản phẩm “Chiếc gương thông minh” ấn tượng của nhóm có chức năng đo nhiệt độ cơ thể, đo nhịp tim, chiều cao, cân nặng của con người, biểu thị thời tiết ngoài trời, có thể “nhắc nhở” và “chào buổi sáng” khi nhận được tín hiệu có người ra vào…

Trước đó, nhóm từng đoạt nhiều giải thưởng như giải nhì cuộc thi VMAC toàn quốc năm 2013 với  ứng dụng “con chíp thông minh SG8V1”, giải nhì cuộc thi CLB nghiên cứu khoa học TP Đà Nẵng với ứng dụng “Robot bám người” năm 2014, giải ba cuộc thi SV nghiên cứu khoa học TP Đà Nẵng với sản phẩm “Nhận diện biển số xe ô tô”, giải khuyến khích cuộc thi Việt Nam MCU TI CONTEST khu vực miền trung năm 2013 với sản phẩm “Chuột máy tính cho người khuyết tật”…

Vượt nghèo để sáng tạo 

Điệp, Hiếu, Vinh đều xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng cả ba đều có chung niềm đam mê với nghiên cứu khoa học, công nghệ.

“Lê Đình Hiếu, Nguyễn Hữu Vinh, Phan Ngọc Điệp là những sinh viên xuất sắc, đại diện cho khoa tham gia các cuộc thi. Cả ba em đều thuộc diện khó khăn nhưng bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, các em đã chinh phục nhiều sản phẩm công nghệ mới và đem lại nhiều thành tích vinh quang về cho khoa ”. 

Thầy Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa Điện tử viễn thông (ĐH Bách khoa Đà Nẵng), chia sẻ.

Sinh ra tại Điện Bàn (Quảng Nam) trong gia đình nghèo khó đông anh em, bố mẹ đều làm nông, dù không có cơ hội được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ hiện đại nhưng từ nhỏ Lê Đình Hiếu đã nổi tiếng khắp thôn nhờ khả năng sửa chữa những đồ dùng bị hỏng hóc như ổ cắm điện, rơ móc tivi… Thi đậu vào ngành điện tử viễn thông ĐH Bách khoa, Hiếu như cá về với nước, thỏa thích khám phá, phát huy năng khiếu của mình. Năm 2013, với sản phẩm con chíp thông minh SG8V1, Hiếu đã xuất sắc vượt qua 60 đối thủ nặng ký trên toàn quốc để mang về giải nhì cuộc thi VMAC diễn ra ở TPHCM.

Nguyễn Hữu Vinh, Phan Ngọc Điệp cũng là những gương mặt tiêu biểu của khoa Điện tử viễn thông  ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Ngoài giờ học trên lớp, thời gian còn lại cả ba chàng trai đều dành cho việc nghiên cứu công nghệ tại phòng thực hành, hiếm khi ra ngoài hay ở nhà.

Để tạo ra một ứng dụng mới đòi hỏi phải có sự dày công, có khi cả năm trời chưa cho ra một sản phẩm nào. Nhưng nhiều lúc gần hoàn thiện lại vướng một lỗi kỹ thuật nhỏ, thế là cả nhóm đành phải làm lại nhưng không nản chí. Khát vọng chinh phục các ứng dụng công nghệ mới, chinh phục bản thân chính là cái đích cuối cùng mà ba bạn trẻ  nhóm PIV-VK này muốn hướng tới.

Tất cả các thiết bị cần thiết để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, các bạn đều phải tự bỏ tiền mua. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì vậy để duy trì và nuôi dưỡng niềm đam mê công nghệ, các bạn chỉ còn cách “săn” các suất học bổng. “Hầu hết tiền thưởng từ các cuộc thi, các suất học bổng của trường, khoa, bọn mình đều dành dụm để đầu tư mua các thiết bị công nghệ phục vụ cho mục đích nghiên cứu của nhóm”, Đình Hiếu cho biết.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.