Nhiều nghệ sỹ hài phía Bắc có mặt tại “Xóm hóng”. Ảnh: Thế Toàn
Lần đầu tiên, một nhà hát xây dựng dự án nhà hát truyền hình với tên gọi Xóm hóng, gồm 52 số khởi chạy từ tháng 1/2015. Khai thác hơn trăm tiểu phẩm hài kịch của nhà hát vẫn mang tính thời sự, đội ngũ sáng tạo biến báo thành kịch bản sinh động, gần gũi với khán giả hơn.
Mỗi chương trình tại nhà hát kéo dài hai tiếng, trong đó một tiếng trực tiếp trên truyền hình. Một nửa thời gian dành cho tiểu phẩm về một chủ đề đưa ra, chẳng hạn yêu, ghen, công nghệ.
Thời gian còn lại dành cho nghệ sỹ, khách mời, thậm chí khán giả buôn chuyện cùng năm chủ nhà của Xóm hóng do các nghệ sỹ Chí Trung, Vân Dung, Minh Hằng, Hương “tươi”, Đức Khuê đảm nhận. Theo trang trí trên sân khấu, mỗi người là chủ nhà, đại diện một ô cửa sổ như lời bài hát của chương trình “cửa sổ he hé, mắt to mắt bé”.
Bắt đầu chạy từ 7/11 này với chủ đề “CLB những người hâm mộ Hoạn Thư”, Xóm hóng có sáu số chạy thử, trước khi bắt tay chính thức với một kênh truyền hình để trực tiếp thứ sáu hàng tuần.
Lãnh đạo nhà hát muốn giữ bí mật kênh phát sóng, bởi đang trong quá trình thương thuyết. “Việc phối hợp với truyền hình vừa được thêm kinh phí, làm chất lượng chương trình tốt lên, giúp nghệ sỹ không cần chạy sô quá nhiều, có thể chuyên tâm làm nghề”, ông Trương Nhuận nói.
Khác biệt của sân chơi này? “Dùng tiếng cười đánh vào thói hư tật xấu, nhưng đôi khi chúng ta vô tình chỉ bới vấn đề, không có hướng giải quyết. Trong chương trình này, chúng tôi tham vọng gửi đến khán giả những hướng giải quyết. Chẳng hạn ở chủ đề ghen, ghen sao cho đúng chứ không trở thành Hoạn Thư”, Đinh Tiến Dũng-một trong số người viết kịch bản nói.
Nhiều chương trình hài như Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm, Đời cười kéo dài, dễ bị nhạt. “Đây chính là thách thức. Về sức diễn của diễn viên, chúng tôi không ngại lắm nhưng mỗi kịch bản đòi hỏi cái mới, đổi món liên tục và không bị một màu luôn thử thách đội ngũ sáng tạo.
Cho nên dù tôi có thể đảm nhận được kịch bản toàn bộ 52 số nhưng chúng tôi chọn nhiều người, nhiều cách giới thiệu vấn đề, cố gắng làm chính chúng tôi bất ngờ mới mong mang lại cái mới trên sân khấu”, tác giả kịch bản Đinh Tiến Dũng nói.
Một sân chơi “hài sạch” cho nghệ sỹ phía Bắc, theo Giám đốc Trương Nhuận, ngoài nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ, nhiều tên tuổi khác nhận lời như Xuân Bắc-Tự Long, Công Lý.
Sáng 28/10, ông Yanagi Jun, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản và ông Inami, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản dự lễ bàn giao toàn bộ hiện vật kỹ thuật về âm thanh, ánh sáng cho Nhà hát Tuổi trẻ, đây là nguồn tài trợ của chính phủ Nhật Bản.
Nhà hát Tuổi trẻ cũng công bố ba vở diễn sắp khởi công: Thủ phạm là ai của Lưu Quang Vũ, Tấm gương, Công lý không thể gục ngã.