Phố Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lâu nay vẫn nổi tiếng với món nước uống “đặc sản”: trà chanh. Con phố buôn bán đông nghẹt ấy, mấy ngày cuối tuần gần đây bỗng náo nhiệt hơn trước. Không phải bởi khách uống nước đông lên, mà bởi hơn 30 món đồ chơi trẻ em được bày ra giữa phố thu hút trẻ em. Từ 19 giờ, các tình nguyện viên bắt đầu mang ra giữa phố đi bộ những bộ đồ chơi dân gian như cà kheo, xích đu, bập bênh, cầu trượt, ô ăn quan, nhảy dây, chơi chuyền… Hầu hết những món đồ chơi được làm chế tạo từ các vật liệu gần gũi với thiên nhiên như tre, gỗ và các vật liệu tái chế như lốp cao su.
Hàng trăm gia đình đã đưa trẻ nhỏ đến và tham gia các trò chơi này, nhiều trẻ còn giục bố mẹ đưa ra sớm nửa tiếng để chờ đến lúc chơi. Chị Đỗ Vân Anh, khu tập thể Võ Thị Sáu (Hà Nội) cho biết, mô hình này khiến con chị mê mẩn từ thứ 7 tuần trước khi gia đình đi dạo phố cổ. Không ở ngoài cuộc, chị còn tham gia, hướng dẫn con các trò chơi ngày xưa chị đã từng biết như: ô ăn quan, chơi chuyền, nhảy dây. Không chỉ thu hút trẻ em quanh quận Hoàn Kiếm, rất đông phụ huynh từ các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hà Đông… đưa con đến vui chơi.
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Trần Thúy Lan, Phó Trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội, cho biết, đây là mô hình kết hợp với nhóm Think Playground thử nghiệm từ tháng 4 đến hết tháng 6. Bà Lan nói rằng, đây là mô hình được người dân ủng hộ, vì thực tế Hà Nội đang rất thiếu chỗ vui chơi cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, muốn nhân rộng mô hình “Sân chơi phố cổ” ra các tuyến phố khác không đơn giản. Bởi mỗi trò chơi cần 1- 2 tình nguyện viên hướng dẫn cách chơi và để đảm bảo an toàn cho các em nhỏ. “Đến hết tháng 6, Ban quản lý sẽ cùng đơn vị đồng hành đánh giá hiệu quả của sân chơi này, nếu được sẽ triển khai thêm trên một số tuyến phố khác”, bà Lan nói.