Sốc với cảnh đánh cờ ở ven cống
Tại Hội thảo “Vườn hoa sân chơi trong các khu dân cư ở Hà Nội” ngày 6/5, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, trước đây hàng loạt các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Xuân… đều có các khoảng không gian lưu thông rộng rãi với vườn hoa, sân chơi giải trí.
Các không gian này thường được thiết kế trong những bản vẽ quy hoạch chi tiết và được các cấp phê duyệt. Song thật đáng tiếc do buông lỏng quản lý, những không gian ấy dần dần bị lấn chiếm, phá hủy, thay vào đó là nhà cửa, tường bao, nơi kinh doanh…
Còn tại các khu đô thị mới, KTS Trần Ngọc Chính dẫn chứng, khu đô thị Nam Trung Yên dù còn khá nhiều diện tích sân chơi, song lại thiếu trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi. Nhiều sân chơi bố trí gần nơi tập kết rác thải, gây ô nhiễm, làm cho sân chơi trong các khu ở không những thiếu trầm trọng mà phần lớn còn không đạt tiêu chuẩn. Ngay cả khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, mặc dù được coi là khu đô thị kiểu mẫu, nhưng trên thực tế khu vui chơi của trẻ em vẫn bị “bỏ quên”. Một số quy hoạch khu đô thị đã có ý thức thiết kế các không gian vui chơi, quảng trường, công viên, tuy nhiên KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, nhiều không gian chỉ tồn tại ở bản vẽ quy hoạch, việc đầu tư xây dựng thường được thực hiện theo quy hoạch điều chỉnh.
Theo chuyên gia nghiên cứu độc lập Nguyễn Thị Hiền, vườn hoa, sân chơi khu dân cư tại Hà Nội đang rất thiếu. Khu vực nội thành, các công viên và vườn hoa chỉ chiếm 1,92% tổng diện tích đất. Đặc biệt, quận Thanh Xuân còn được coi là quận không có công viên, vườn hoa. Mục tiêu của quy hoạch cây xanh Hà Nội ở khu vực nội thành là tạo ra các công viên đô thị đạt diện tích trung bình 3,92m2/người, vườn hoa ở cấp đơn vị đạt 1m2/người. Tuy nhiên theo bà Hiền, để đạt được mục tiêu này sẽ phải cần đến rất nhiều nỗ lực từ phía chính quyền và cộng đồng.
KTS Nguyễn Nga (Việt kiều Pháp) không giấu nổi vẻ ngạc nhiên trước cảnh người già, trẻ em đều thiếu không gian sinh hoạt, vui chơi giải trí. “Khi về Hà Nội tôi thấy sốc vì người già lại chơi đánh cờ ở ven cống. Trẻ con cũng ra đó chơi với ông mà không hề có khu vui chơi. Thành phố Hà Nội đã từng được người Pháp thiết kế tốt, tuy nhiên đến giờ các công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí đã bị chiếm một cách đáng tiếc”, KTS Nguyễn Nga bày tỏ.
Giành lại đất bị lấn chiếm
“Từ hình ảnh người dân vượt rào vào tắm miễn phí ở Công viên nước Hồ Tây vừa qua mới thấy người dân khao khát có được điểm vui chơi công cộng thế nào. Chúng ta cứ mải mê chạy theo bất động sản, buông lỏng quản lý khiến các khu vui chơi, giải trí nhường chỗ cho dự án, rồi trẻ em thành con nghiện điện tử, người già thậm chí còn không có chỗ để đọc báo, đi bộ, không có không gian thư giãn”, Thạc sĩ Lã Kim Ngân, Viện trưởng Viện Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) băn khoăn.
Để cải thiện tình trạng thiếu và kém chất lượng các không gian công cộng, theo bà Ngân, đã đến lúc giành lại các quỹ đất bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích trong nội thành cho các không gian vườn hoa, sân chơi. Đối với các quỹ đất trống, đất sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng của các cơ sở cần di dời, tái sử dụng các quỹ đất không phù hợp chức năng như bãi xe, bến xe, cơ sở công nghiệp, y tế gây ô nhiễm… cần được ưu tiên dành cho các không gian công cộng.
Còn theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, để bình quân không gian xanh đạt tới chỉ tiêu 3,9 m2/người theo quy hoạch (so với chỉ tiêu quy chuẩn cần 7 m2/người) rất cần phải khai thác quỹ đất từ chuyển đổi mục đích sử dụng khi di dời các cơ sở công nghiệp, di dời trụ sở một số bộ, ngành, cơ sở đại học, cao đẳng… ra khỏi nội thành. “Giải pháp này có tính khả thi cao và cần được xác định là giải pháp ưu tiên. Bên cạnh đó, ngoài phát triển số lượng vẫn cần giải quyết tình trạng mât cân đối giữa các quận, trong đó chú trọng tập trung cho các quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa”, ông Nghiêm cho hay.
KTS Trần Ngọc Chính thì cho rằng, đã đến lúc cần thiết phải có một cuộc khảo sát về thực trạng vườn hoa sân chơi giải trí để từ đó đưa ra các giải pháp, giao trách nhiệm cụ thể để tổ chức, quản lý tốt hơn.