Sân bay và những con đường

Sân bay và những con đường
TPO - Nhà ga sân bay Nội bài một ngày Chủ nhật. Khu nhà ga đi quốc tế. Ra phía cửa khẩu để làm hộ chiếu xuất cảnh, thấy hàng loạt xô thùng hứng nước mưa dột từ trên mái che của sân bay. Có những chỗ chảy thành dòng, chỗ nhỏ tý tách đều đều. 

>> Vì sao nhà ga sân bay Nội Bài bị dột ?
>> Nguyên Cục trưởng Cục KĐCL công trình nói về nhà ga bị dột

Sân bay và những con đường ảnh 1

Ngày mưa, lối vào phòng cách ly đi quốc tế đầy xô hứng nước. Ảnh: Ngọc Tú

Trong nhà chờ, mưa rơi lên mặt mát rượi. Đi trên sân ga mà như đang dạo chơi dưới mưa xuân Hà Nội... Lên tầng 3. Đang đi, bỗng oạch, tôi lăn quay trên sàn. Nước mưa lênh lánh trên sàn gạch men nhẵn bóng nên không ai nhìn thấy sàn trơn. Chắc có nhiều du khách hú hồn khi đi trong nhà chờ hôm ấy.  

Vào nhà vệ sinh, những khung kính nhôm chỉ có nhà ít tiền mới dùng, bệ xí inax nội trông nhem nhuốc bẩn thỉu. Vòi nước rửa tự động nhưng cái ngang, cái dọc. Dưới mỗi bồn rửa tay lại xô nhựa để hứng nước thải phía dưới. Nước cũng chảy tý tách... 

Nhìn thảm lát nền, gạch men hay khung nhôm cũng đoán khi làm nhà ga, người ta dự trù  kinh phí "hạn hẹp". Hoặc họ chỉ xây dựng cho kế hoạch năm năm. Năm năm tiếp, có thế hệ khác lo.

Người Đông Timor rất nghèo, sân bay dã chiến nhưng cũng chắc chắn, không thể nào để nước mưa lọt xuống phòng đợi trong sân ga. Viêng chăn (Lào) có sân bay bé xinh xinh đủ cho một thành phố nhỏ, nhưng chưa hề xuống cấp sau hàng chục năm khai thác. Đương nhiên, tôi không dám so Nội Bài với sân bay Bangkok hay Singapore, cùng dân châu Á nhà mình.

Số phận cho tôi đi đó đây, cả nơi nghèo lẫn giầu sang, nhưng chưa bao giờ thấy nhiều xô hứng nước mưa như ở Nội Bài. Nhà ga sân bay của họ có thể dột đôi chỗ, nhưng nhà ga của ta dột khắp nơi.

Bàn về những con đường. Người bạn làm về dự án giao thông giải thích, đôi khi làm những con đường dài thì phải thiết kế đôi chỗ hơi gấp khúc để người lái xe đường xa không bị buồn ngủ. Nhưng đường trong thành phố thì ngắn lắm, không phải làm thế. Cứ xem đường Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt hay những phố xưa ở Hà Nội thì đường nào cũng thẳng. 

Nhìn những con đường mới mở gần đây sẽ thấy nhiều đoạn cua bất ngờ. Bất ngờ đến không thể ngờ. Có người nói, đó là tâm con người gấp khúc nên những con đường không còn thẳng nữa. 

Những năm 60, tôi vẫn nhớ. Nhà nghèo nên mái lợp bằng rơm rạ. Mỗi lần mưa, trong nhà như ngoài sân, bão về lo bay mất mái. Cha bảo, bao giờ hết nghèo sẽ lợp mái ngói hay đổ trần bê tông, không bị mưa dột, không sợ bão tố. 

Nhưng cha nói thêm, mái nhà có thể bị nước mưa lọt xuống, nhưng đừng để lòng con bị dột nát hay tâm mình không sáng. Nếu lòng không ngay thì mái tôn cũng bị nước đục thủng, đường thẳng cũng thành cong. Con sắp lớn khôn nên nhớ lời cha. Sau 40 năm, tôi nhớ lại lời người đã khuất núi. 

Thăm những gia đình quen biết hay các cơ quan, bây giờ thấy rất nhiều chữ Tâm được đóng khung và treo trang trọng. Nhiều chữ Tâm treo trên tường nhưng liệu ngoài đời họ có hành xử đúng chữ Tâm ? 

Hiệu Minh

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG