Sách ảnh của người 20 lần chết hụt

Lương Nghĩa Dũng trên đồi 365, năm 1971 Ảnh: Tư liệu
Lương Nghĩa Dũng trên đồi 365, năm 1971 Ảnh: Tư liệu
TP - Lương Nghĩa Dũng đã đánh đổi tuổi trẻ và mạng sống để có được những bức ảnh miêu tả chân thực sự khốc liệt của chiến tranh trong tập sách ảnh Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn vừa ấn hành.

> Mẹ không có mặt

Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn dày 184 trang, NXB Thông Tấn ấn hành. Sách trình bày trang trọng, giới thiệu gần 200 ảnh tiêu biểu của Lương Nghĩa Dũng lựa chọn từ kho tư liệu hàng ngàn bức ảnh của TTXVN và gia đình.

Lần giở từng trang sách, từng tấm ảnh đen trắng hiện ra như thước phim quay chậm về một giai đoạn lịch sử không thể quên của đất nước.

Lương Nghĩa Dũng (còn có bí danh Nghĩa Mạnh) là người lính, nhà giáo đeo quân hàm của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Ông đến với nghề báo như là duyên nghiệp.

Năm 1966 khi cuộc chiến tranh chống Mỹ ngày càng ác liệt, ông cùng hai đồng nghiệp là Vũ Tạo, Hứa Kiểm được biệt phái sang TTXVN tham dự khóa đào tạo cấp tốc phóng viên nhiếp ảnh, rồi về Tổ chiến sự Ban ảnh TTXVN.

Không được đào tạo bài bản, phương tiện kỹ thuật máy móc thời bấy giờ cũng hạn chế, nhưng với 6 năm làm phóng viên ảnh (1966 đến 1972) cùng với chiếc xe đạp, ba lô và những chiếc máy ảnh cơ- Pratika, Ekata, Roleiflex chụp từng kiểu phim một, với ống kính trung bình và “khẩu” tele 500, Lương Nghĩa Dũng đã xông pha khắp các chiến trường gian khổ, ác liệt nhất của miền Bắc cho đến Quảng Trị: Chụp ảnh chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, chiến dịch Khe Sanh, đường 9 Nam Lào, cánh Đồng Chum- Mường Xùi (Lào), mặt trận Quảng Trị…

Đại tá Trần Dũng hồi tưởng: “Anh Lương Nghĩa Dũng ra trận như chú ngựa thồ của dân công ra tiền tuyến. Chiếc ba lô nặng trĩu, thắt lưng da một bên đeo súng ngắn, một bên bi đông nước, túi cứu thương, bao gạo, hai máy ảnh và đặc biệt têlê 500 to kềnh như khẩu súng chống tăng B40 của người lính đeo trên lưng”.

Xem các bức ảnh trong sách và cả trong kho tư liệu của ông, khó ai dám nói ông là phóng viên “tay ngang”. Ảnh của ông bố cục chắc, khỏe, phản ánh sống động nhất những khoảnh khắc đời thường của quân và dân ta, sự thật khốc liệt của cuộc chiến, đầy giá trị tư liệu nhưng cũng không kém thi vị, lạc quan.

Trung tá- phóng viên ảnh Hứa Kiểm không quên cái lần nhận tin Nghĩa Dũng hy sinh hụt: “Vào lúc trận đánh diễn ra ác liệt, chiến sĩ thông tin liên lạc nghe thấy khẩu lệnh trả thù cho đồng chí nhà báo liền báo tiếp ngay lên trên: Có một nhà báo đã hy sinh tại trận địa. Tin được chuyển ngay lên Cục Tác chiến. Phòng Thông tấn Quân sự nhận tin và lại chuyển đến Ban ảnh TTXVN. Trận đánh kết thúc, mọi người thấy đồng chí nhà báo chống tay ngồi dậy. Rất may không vết thương nào nghiêm trọng, chỉ hơi tức ngực, đặc biệt đói cồn cào, anh nuôi phải vét cơm nguội và ít ruốc khô cho Dũng. Chiều hôm đó, ông Trưởng ban ảnh Lê Châu điều xe ôtô xuống không phải đưa xác Nghĩa Dũng mà là đón nhà báo một năm 3 lần chết hụt về chuẩn bị đi chiến dịch mới”.

Cuối cùng Lương Nghĩa Dũng ngã xuống khi mới 37 tuổi ở mảnh đất ác liệt nhất- nơi được ví là cối xay thịt- vào đúng ngày Quảng Trị giải phóng, 1972.

Với những cống hiến của mình, năm 2007 Lương Nghĩa Dũng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT với tác phẩm Đấu pháo ở Dốc Miếu (chụp năm 1968)- một khoảnh khắc chiến trận đậm chất anh hùng ca. Ông cũng được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN truy phong tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh có cống hiến đặc biệt xuất sắc (ES.VAPA).

Phóng viên ảnh Lương Xuân Trường (TTXVN) tự hào về cha: “Bố cho tôi thừa kế nghề ảnh của ông. Những tháng ngày đi tìm bố, tôi biết thêm nhiều điều, nhất là về sự sống và cái chết. Về sự sống tồn tại ngay cả khi con người đã chết.

Xin cảm ơn những người bạn, những đồng đội của bố, những người giúp bố vẫn sống bằng cuộc sống khác nữa, sau bao năm đi xa: Sống lại bằng những bức ảnh, cũng có thể nói bằng những gì bố đã sống”.

Những câu chuyện mà đồng nghiệp kể lại trong sách với một tình cảm trìu mến, cảm phục cho thấy Lương Nghĩa Dũng đã chết hụt hơn 20 lần - đó là một minh chứng rõ nét nhất, rằng ông luôn có mặt ở nơi nóng hổi của cuộc chiến. Nhiều bức như còn vương mùi thuốc súng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG