Xẻ gỗ cạnh đường lớn
Để vào đựợc vạt rừng tự nhiên Ba Bố nằm giữa hai thôn Nà Tùm và Cốc Thử (xã Ngọc Phái) - khu rừng được cho là bị phá hại vừa qua chỉ có cách duy nhất là đi vào con đường độc đạo qua nhà máy luyện chì Chi nhánh Cty TNHH Thương mại dịch vụ Hoàng Nam.
Tuy nhiên, không thể qua cửa bảo vệ, chúng tôi nhờ người dân địa phương chỉ lối qua đường mòn để tiếp cận hiện trường vụ phá rừng.
Những cây gỗ lớn bị đốn hạ |
Từ trên cao nhìn xuống, cả vạt rừng diện tích hàng chục héc ta rừng tự nhiên đã đổi màu xám xịt của đất và lá héo úa. Những con đường nham nhở như những lát cắt hằn lên cánh rừng. Nhiều ngả đường còn mở lên tận đỉnh núi để xe tắc tơ (xe kéo nông nghiệp) hoạt động. Phần rừng cạnh nhà máy luyện chì cũng xuất hiện một số vỉa mỏ mới khai thác.
Trên vạt rừng này, những cây gỗ lớn có giá trị như dổi, mỡ… đã được chọn lọc và chặt hạ. Cây sau khi chặt đã bị cưa thành khúc, một phần nằm rải rác trên rừng, một phần đã được lăn xuống đường. Phía chân vạt rừng sát với nhà máy luyện chì Cty TNHH Hoàng Nam cạnh đường lớn có một xưởng cưa rộng hơn 80m2. Trong xưởng có một máy cưa lớn được lắp điện 3 pha, xung quanh có nhiều gỗ đã được xẻ thành khối vuông.
Đáng nói, ông Trần Quốc Hiệu, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phái khẳng định, bà Vũ Thị Hằng, Giám đốc Cty TNHH Thương mại dịch vụ Hoàng Nam đã nhận chuyển nhượng toàn bộ diện tích rừng trên của các hộ dân trên. UBND xã Ngọc Phái xác nhận thủ tục chuyển nhượng này từ những năm 2016 - 2017. Trong khi, theo Luật Đất đai năm 2013 hiện hành, rừng tự nhiên được giao cho người dân quản lý (như khu vực bị phá này) thuộc diện không được phép chuyển nhượng (!?)
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Vũ Văn Thịnh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chợ Đồn cho hay, khu vực rừng bị phá nằm trong khu vực “lòng chảo”, xung quanh là vách đứng, muốn vào chỉ có cách đi qua cổng của Cty TNHH Hoàng Nam.
Theo ông Thịnh, diện tích rừng bị chặt phá là khoảng 2,8 héc ta. Diện tích này được tính theo vị trí những cây bị chặt hạ. Thủ đoạn chặt hạ cây của các đối tượng phá rừng rất tinh vi. Chúng lựa chọn những cây rừng có chất lượng gỗ tốt mới chặt hạ; những cây rất to như cây gáo, sung được để nguyên.
“Qua đấu tranh từ 12 đối tượng được thuê, việc chặt hạ và vận chuyển gỗ bắt đầu từ cuối tháng 3. Những người này đều thông qua ông Đ. Tổ 16 (xã Ngọc Phái) nhận việc. Những đối tượng này phân chia công việc, người chặt hạ cây, người vận chuyển và có 4 người khác thực hiện chế biến lâm sản trái pháp luật tại xưởng cưa này”, ông Thịnh nói và cho biết thêm, ngoài 16 người trên còn có ông S. là người nhận mua máy xẻ để lắp đặt vào khu vực này. Ông S. là người nhà bà Hằng, Giám đốc Cty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Nam.
Ngày 10/4, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn Triệu Huy Chung đã có báo cáo hỏa tốc lên UBND tỉnh Bắc Kạn về vụ phá rừng trên. Theo đó, số lâm sản kiểm đếm được có 170,138m3 gỗ tròn, xẻ từ nhóm IV đến nhóm VIII. Trong đó, số lâm sản còn lại trên rừng là 103m3, số gỗ đã đưa ra khỏi hiện trường và tập kết về lán có máy xẻ gỗ là hơn 66m3 (trong đó có hơn 6m3 gỗ xẻ).
Ngoài ra, quá trình điều tra, cơ quan chức năng thu giữ 2 xe tắc tơ, 3 xe máy và một số dụng cụ. Theo báo cáo, hiện nay, cơ quan chức năng đang tiến hành thu hồi vật chứng về nơi bảo quản. UBND huyện Chợ Đồn đang chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ mời gọi các đối tượng liên quan để đấu tranh làm rõ và xử lý vụ việc.
Theo tài liệu phóng viên thu thập được, khoảnh rừng này được giao cho các hộ dân quản lý, bị chặt phá tại nhiều vị trí.
Cụ thể, lô rừng bị phá được ký hiệu là lô 152 khoảnh 11, Tiểu khu 289, thửa 573, có diện tích là 1,57 héc ta, là rừng tự nhiên phục hồi chưa có trữ lượng (ký hiệu là TXP), chủ quản lý là ông Nông Văn Tinh, trú tại thôn Nà Tùm.
Ngoài ra, ông Tinh còn là chủ quản lý rừng trồng tại lô 159 khoảnh 11, Tiểu khu 289, thửa 573 cũng bị chặt phá. Tại Tiểu khu 289 còn 4 điểm khác xảy ra chặt phá rừng.
Cụ thể, tại khoảnh 11 các lô 173, 177 do Lường Khắc Khiêm thôn Nà Tùm quản lý; lô 153, 1 158 do ông Lường Văn Quắn, ở thôn Cốc Thử quản lý; lô 148, 153 do ông Nông Văn Quyến thôn Nà Tùm quản lý. Đây là diện tích rừng tự nhiên phục hồi chưa có trữ lượng. Ngoài ra, một số diện tích rừng trồng từ năm 2009 tại lô 160 và 164a khoảnh 11 do ông Trịnh Văn Hợi thôn Cốc Thử quản lý cũng bị chặt hạ.