BS Nguyễn Triệu Vũ (Khoa Ung bướu-Ngoại tổng quát thuộc BV Q. Thủ Đức) cho biết bệnh viện vừa hoàn tất phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ mô vú của một nữ bệnh nhân (62 tuổi) để "giải phóng"cơ thể. Bệnh nhân này, vì trao lưu làm đẹp, đã bơm silicon lỏng từ 30 năm trước.
Sau 30 năm, silicon lỏng vón thành cục như thế này. Trong ảnh là silicon được lấy ra từ gò bồng đảo của nữ bệnh nhân 62 tuổi ở Thủ Đức.
Trước khi quyết định phẫu thuật, nữ bệnh nhân này đến Khoa Ung bướu-Ngoại tổng quát khám vì cảm thấy "đau và lợn cợn tại vú kéo dài". Sau khi khai thác bệnh sử và tiến hành X-Quang tuyến vú, hình ảnh khiến các chuyên gia bối rối bởi không thể phân biệt được đâu là khối u (nếu có), còn đâu là silicon.
Sau khi được các chuyên gia tư vấn kỹ lưỡng, nữ bệnh nhân này đã đau đớn quyết định “chia tay” đôi gò bồng đảo để có thể triệt tiêu các nguy cơ tật bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống và thậm chí là sinh mạng.
Theo BS Vũ, tại Việt Nam từ 20-30 năm trước xuất hiện trào lưu cải thiện sắc đẹp chóng vánh bằng thủ thuật bơm silicon lỏng vào cơ thể, hầu hết ở vùng mặt và vùng ngực. Nữ bệnh nhân nói trên có lẽ bị ảnh hưởng bởi trào lưu ấy.
"Silicon lỏng có rất nhiều tác dụng phụ như gây loét kéo dài, đau, co rút biến dạng, tạo cục hoặc di chuyển vô phổi, thận…Đặc biệt tại khi tiêm vào vú, sau thời gian silicon kết thành khối gây nhiều nốt trong vú, rất khó phân biệt với khối u, do đó nếu bệnh nhân chẳng may bị ung thư sẽ khó phát hiện sớm", BS Vũ cho biết.
Được biết, hiện nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm sử dụng silicon lỏng nhằm mục đích thẩm mỹ. Tại Hoa Kỳ, sắc lệnh này được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) ban hành hồi năm 1991.
"Nhu cầu làm đẹp thì thời nào cũng có. Vì vậy người dân nếu có nhu cầu làm đẹp nên đến các bệnh viện hoặc trung tâm lớn, uy tín để được tư vấn, giúp chọn lựa phương pháp hiệu quả và an toàn", BS Vũ đưa ra lời khuyên.