Muộn và mỏng
Ở nước ta, trong chương trình giáo dục phổ thông, các em học sinh được tiếp cận cực kì đơn giản với giáo dục giới tính lần đầu tại lớp 5 ở môn Khoa học và bài giới thiệu về cơ thể người môn Sinh vật lớp 8 tức là các em khoảng 11 - 16 tuổi.
Tuy nhiên, với sự phát triển hiện nay, tình trạng học sinh dậy thì sớm từ 11 - 14 tuổi là khá phổ biến. Chương trình lớp 8 mới tiếp cận kiến thức về giới tính được đánh giá là quá muộn và mỏng so với thực tế.
Đơn cử, ở môn Khoa học, học sinh lớp 5 vẫn có bài 2 tiết có tên “Nam và Nữ” dựa trên những đặc điểm để phân biệt về hai giới này. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến phụ huynh và học sinh, bài này không “xứng đáng” đến lớp 5 mới đưa vào giảng dạy.
“Với kiến thức này thì ở lớp mẫu giáo 3 tuổi đã được các cô dạy và phân biệt được về nam- nữ dựa theo đặc điểm bề ngoài. Nếu lớp 5 mới dạy thì có vẻ kiến thức quá chậm và không cần thiết nữa”- Chị Hòa An, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.
Cũng theo chị An, chị mong kiến thức về giới tính sẽ được bổ sung dạy sớm, cập nhật và nhiều hơn kiến thức như bây giờ: “Giờ các con dậy thì sớm hơn và có quá nhiều rủi ro, dễ bị xâm hại. Nếu để cháu phát triển qua hết các giai đoạn đó rồi vài năm sau mới dạy thì còn quan trọng gì nữa”- chị An chia sẻ.
Chị Thùy Linh, giáo viên dạy Sinh lớp 8 của một trường của Hà Nội cũng thừa nhận, nếu đến lớp 8 mới dạy cho các con về những kiến thức giới tính thì quá muộn vì không còn nhiều giá trị.
“Giờ các cháu dậy thì sớm hơn với thời chúng tôi. Đơn cử nhiều em đã dậy thì sớm từ lớp 5 và 6, nếu không trang bị kiến thức sớm thì rất nguy hiểm. Đằng này lớp 8 mới dạy về cấu tạo sinh dục nam- nữ, về vệ sinh cơ quan sinh sản, về thụ thai,... và chỉ dạy lồng ghép trong môn Sinh học có trong khoảng vài tiết là quá ít ỏi”- vị giáo viên này chia sẻ.
Theo cô Linh, ngay từ cấp 1, các em học sinh nên được học chính thức môn giáo dục giới tính như một môn quan trọng chẳng kém gì học toán hay học văn.
“Các em được biết về cấu tạo, chức năng các “cơ quan giới tính” của nam và nữ, tiếp đến là những biến đổi của cơ thể khi lớn lên. Như vậy, các em đã hiểu rõ về cơ thể mình, về những biến đổi ngay cả khi nó chưa đến”- cô Linh chia sẻ.
Học sinh hỏi, cô giáo đỏ mặt và “im lặng”
Trong thời gian gần đây có quá nhiều vụ xâm hại tình dục hay việc những nữ sinh lớp 7 sinh con đã dấy lên một câu hỏi đặt ra, nên dạy và không nên dạy những gì cho học sinh?
Nhiều vị phụ huynh cảm thấy “bất an” và cho rằng, nếu các em đã được học sớm về cơ thể mình, hiểu và biết về quá trình thụ thai, biết cách phòng tránh thì không có chuyện đáng tiếc như thế.
Nhiều giáo viên cùng chung nhận định, việc dạy cho các em kiến thức là cần thiết và khó hơn trước. Vì giờ đây khi mà internet đã phổ biến thì dạy các em làm thế nào để an toàn nhất mới là điều quan trọng.
Cô Đỗ Ngọc, giáo viên dạy Sinh học của một trường THCS ở Huyện Hoài Đức, Hà Nội cho rằng, với học sinh 5 năm trở về trước khi học về bộ phận sinh dục nam và nữ, có thêm hình vẽ thì nhiều học sinh và giáo viên cùng “đỏ mặt”, đa số các em thường lờ đi hoặc lé tránh và cho rằng đây là những phần kiến thức “nhạy cảm”.
Thì nay theo cô Ngọc, học sinh giờ đã bạo dạn và chủ động tìm hiểu về kiến thức giới tính hơn nhiều, các em tự tìm kiếm trên mạng nên những kiến thức trong sách này thậm chí còn quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế.
“Nhiều em còn hỏi những câu hóc búa mà chính giáo viên phải hẹn trả lời sau vì không những các em biết hết các kiến thức trong sách mà còn tìm hiểu thêm. Vì thế, cô giáo cũng phải tự tìm thêm kiến thức để bổ sung cho học sinh”.
Có nên dạy từ thuở lên 3?
Chính cô Ngọc cũng cho rằng, với khoảng 5 tiết cho môn học này là quá ít: “trên cương vị giáo viên và vừa là phụ huynh mình mong muốn có chương trình, môn học về giới tính riêng chứ không chỉ lồng ghép vài tiết ở môn Sinh học như bây giờ. Thà vẽ đường cho chúng chạy đúng, còn hơn để chúng tự chạy mà chạy sai”- cô Ngọc nói.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, giáo dục giới tính không thể nói vài lần là hết, mà phải có sự đồng hành của cả xã hội từ lúc trẻ bắt đầu đến trường cho đến khi có đủ kiến thức để tự bảo vệ hoặc chịu trách nhiệm về việc mình làm.
Cũng chính TS Hương cho rằng, về việc phòng tránh xâm hại, trẻ cần được học từ lúc 3 tuổi. Trẻ cần được mặc đồ lót và học nguyên tắc đồ lót. Từ 6 tuổi, trẻ cần học về quá trình hình thành thai nhi và một số vấn đề liên quan đến giới nam và giới nữ.
Giáo dục giới tính sẽ có “chỗ đứng” trong sách giáo khoa mới
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chú trọng hơn đến giáo dục giới tính.
Theo đó, các bài học giúp học sinh nhận thức được việc bảo vệ mình trước vấn đề xâm hại sẽ có trong các môn như Khoa học đời sống, Kiến thức pháp luật, Sinh học ở các cấp học.
Tuy nhiên, cũng theo GS Thuyết, việc bảo vệ, giáo dục trẻ em không chỉ nằm ở chương trình giáo dục tốt mà còn cần sự phối hợp từ gia đình, xã hội, pháp luật.