Rủi ro tham nhũng trong BOT là rất lớn

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT.
TP - Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, do rủi ro tham nhũng trong BOT là rất lớn nên lẽ ra Nhà nước phải đứng ra thuê 2- 3 đơn vị tư vấn độc lập để tính toán dự án, lưu lượng xe cho khách quan, độc lập… Còn nếu để doanh nghiệp làm hết và cơ quan quản lý chỉ thụ động xem xét rất dễ dẫn đến nguy cơ tù mù, mức phí bị đẩy lên ở mức cao nhất, thời gian thu dài nhất, có lợi nhất cho doanh nghiệp.

Tù mù dự án BOT

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, từ lâu thế giới đã đưa ra cảnh báo “rủi ro xảy ra tham nhũng trong BOT là lớn nhất”. Do đó, nếu làm đúng, làm tốt, làm chặt chẽ thì BOT sẽ đem lại lợi ích cho mọi quốc gia, ngược lại, nới lỏng sẽ nảy sinh ra tham nhũng rất lớn.

Để ngăn chặn rủi ro trên, theo ông Đông lẽ ra việc thiết kế xây dựng các đề án, dự án BOT, Nhà nước phải bỏ tiền ra để làm. Nhà nước phải đứng ra thuê các chuyên gia, tư vấn hàng đầu, thậm chí là 2- 3 đơn vị tư vấn độc lập để tính toán dự án, lưu lượng phương tiện cho khách quan, độc lập. Khi tất cả các việc trên hoàn thành thì Nhà nước sẽ kêu gọi đầu tư, tổ chức đấu thầu rộng rãi, ai có năng lực, ai có kinh nghiệm, ai “tiền tươi thóc thật” thì mới được làm.

“Có như thế Nhà nước mới chủ động tính toán chi phí, chủ động với con số lưu lượng xe, cũng như đầu vào, đầu ra của dự án để quyết định mức phí hợp lý, hài hoà lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp và người dân. Chứ để doanh nghiệp làm hết và nhà nước chỉ đứng ở vị trí thụ động xem xét thì dễ dẫn đến nguy cơ chi phí đầu vào bị đẩy lên tăng gấp đôi, lưu lượng phương tiện bị hạ xuống thấp… Rồi nhiều thứ “tù mù” tính toán khác, cuối cùng phí BOT bị đẩy lên ở mức cao nhất, dài nhất, có lợi nhất cho doanh nghiệp”, ông Đông phân tích.

Vị Thứ trưởng này cũng khẳng định: “ Hiện nay chúng ta làm BOT không theo một quy định nào cả để rồi phí BOT đang trở thành một thứ chi phí không hợp lý mà cả xã hội phải chịu đứng”. Về bản chất, theo ông Đông, phí BOT thực chất cũng là một dạng thu thuế. “Bình thường nếu Nhà nước làm đường thì thu thuế trước của xã hội, của nhân dân để vào ngân sách rồi lấy ngân sách đầu tư. Còn bây giờ ngân sách không đủ, không lấy được trước thì để doanh nghiệp đi làm, người sử dụng giao thông trả tiền. Tuy nhiên cái đấy phải tường minh, chứ không thể “tù mù” được. Người dân đòi hỏi sự công khai, minh bạch ở các dự án BOT là hoàn toàn chính xác”, ông Đông khẳng định.

Đấu thầu công khai, minh bạch

Để ngăn chặn những bất cập cũng như nguy cơ tham nhũng có thể xảy ra khi thực hiện các dự án BOT, ông Đông cho biết, từ năm 2009 Bộ KH&ĐT đã cảnh báo và điều này nhưng cơ quan quản lý không nghe. “Đến bây giờ những gì chúng tôi chứng minh ở thời điểm đó đã bộc lộ ra hết”, ông Đông nói đồng thời cho hay, khi xây dựng các quy định về PPP có những ý kiến liên tục, thậm chí cho đến bây giờ vẫn đưa ra ý kiến để yêu cầu bỏ đấu thầu. “Họ bảo mất thời gian cho đấu thầu. Nhưng nếu cứ để tình trạng như thế thì chúng ta sẽ trả giá”, ông Đông nói.

Một bất cập nữa cũng được ông Đông phân tích khá kỹ là: “Khi triển khai các dự án BOT giao thông, cơ quan quản lý thường nói chung chung là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp? Thế nhưng thế nào là hài hòa? Nếu hài hòa thì tại sao khi triển khai những dự án đầu tư theo hình thức BOT các cơ quan chức năng lại không công khai, minh bạch? Tại sao không tổ chức đấu thầu các dự án BOT? Không công khai số lượng xe, nguồn vốn đầu tư?”, ông Đông nêu câu hỏi và nhấn mạnh rằng, để “tù mù” các dự án BOT như hiện nay là không chấp nhận được.

Theo ông Đông, để giải quyết, giảm những chi phí không hợp lý cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có phí BOT thì phải làm quyết liệt. Các bộ, ngành và các đơn vị liên quan cần đối thoại trực tiếp với nhau. Đặc biệt cần phải công khai hóa các chi phí đầu vào, đầu ra. “Nếu không bàn và có giải pháp quyết liệt thì cuối cùng đầu năm nói, giữa năm nói và cuối năm vẫn như thế. Đầu nhiệm kỳ nói nhưng cuối nhiệm kỳ rồi vẫn như thế”.

Ông Ngô Văn Điển, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, cũng phàn nàn rằng, doanh nghiệp đang phải “gánh” rất nặng chi phí BOT khi chỉ riêng QL 1A đã tồn tại hàng chục trạm thu phí. “Chủ nghĩa thân hữu đang làm méo mó mọi thứ, khiến doanh nghiệp nặng gánh chi phí chính thức và phi chính thức”, ông Điển nói.

“Tại sao chúng ta không công khai minh bạch, đấu thầu các dự án BOT? Không công khai lưu lượng xe, nguồn vốn đầu tư, đầu vào, đầu ra... Chúng ta không công khai, cứ để “tù mù” thế này là không chấp nhận được”.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT

MỚI - NÓNG
Doanh nghiệp đua nhau báo lỗ
Doanh nghiệp đua nhau báo lỗ
TPO - Công ty CP VNG, Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Nhà Thủ Đức, Thép Pomina, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc… đua nhau báo lỗ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng trong quý đầu năm.