Doanh nghiệp ồ ạt nhập máy “đào” Bitcoin
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong những ngày qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu nhập khẩu một loạt máy tính nhằm xử lý dữ liệu giải mã để “đào” Bitcoin, điều này đang gây lúng túng cho hải quan do những loại máy tính dạng này không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu, nhưng Bitcoin là đồng tiền chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.
Các doanh nghiệp nhập khẩu cho hay máy “đào” Bitcoin là máy xử lý dữ liệu tự động, do công ty Bitmain của Trung Quốc sản xuất. Trong đó, Antminer L3+ được lắp đặt từ chip đồ họa để phục vụ chính cho việc giải mã hệ thống chuỗi SHA256 (thị trường gọi đặc trưng là Bitcoin).
Trào lưu nhập khẩu này nổi lên chỉ một tuần sau khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 1255 ngày 21/8/2017 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Quyết định 1255 này đã khiến dư luận xôn xao về khả năng tiền ảo sẽ được pháp luật Việt Nam thừa nhận và sớm có khung pháp lý phù hợp để điều chỉnh và quản lý hoạt động kinh doanh tiền ảo.
Từ mức giá khoảng 13 USD trong năm 2013, hiện nay giá Bitcoin đã lên trên 4.000 USD và dân chơi tiền ảo kỳ vọng, giá Bitcoin có thể lên tới 10.000 USD.
Đáng chú ý, sau khi chia tách thành Bitcoin Cash và Bitcoin từ ngày 1/8/2017, giá tiền ảo Bitcoin có xu hướng tăng nhanh và liên tiếp lập kỷ lục mới.
Theo dữ liệu của Coindesk, sau khi tăng lên mức giá 4.000 USD vào trung tuần tháng 8/2017 và vượt 4.500 USD vào ngày 18/8, giá Bitcoin trong ngày 29/8/2017 có lúc lên tới 4.693,24 USD.
Tuy nhiên, giá Bitcoin có xu hướng giảm nhẹ trong những ngày đầu tháng 9/2017, sau khi các cơ quan quản lý Trung Quốc bắt đầu giám sát chặt các hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu (ICO) - việc huy động tiền mặt hoặc tiền ảo khác thông qua tiền mật mã sẽ bị cấm.
Tính đến nay, tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền ảo đã phình to lên mức 120 tỉ USD, riêng giá Bitcoin đã tăng trên 200% trong năm nay. Tốc độ sinh lời chóng mặt và giá trị vốn hóa tăng cao khiến các tổ chức đầu tư không thể xem nhẹ thị trường tiền ảo, các quỹ đầu tư mạo hiểm và nhiều nhà đầu tư đua nhau đổ tiền vào Bitcoin và những loại tiền ảo khác.
Do khả năng chi phối thị trường nhờ vốn đầu tư lớn, họ có thể thu về khoản lợi nhuận 150% chỉ trong vòng một tháng thay vì chỉ thu về 15%/năm trên thị trường chứng khoán.
Ngày càng nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào tiền ảo Bitcoin kèm theo đó là những dự báo đầy hưng phấn của các chuyên gia trên thị trường và các cuộc thảo luận trong giới truyền thông đã tiếp sức cho quả bóng Bitcoin khiến giá trị tăng gấp 4 lần, tiến sát ngưỡng 5.000 USD hiện nay.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư
Trái với những kỳ vọng lạc quan về Bitcoin và thị trường tiền ảo nói chung, nhiều chuyên gia cảnh báo, giá trị của Bitcoin đang được đánh giá quá cao so với giá trị thực của nó. Giá Bitcoin có thể tăng vọt đến hàng chục phần trăm, nhưng cũng có thể lao dốc đột ngột bất cứ lúc nào và không ai có thể lường trước được biến cố có thể xảy ra.
Cuối tháng 6, tiền ảo Bitcoin được giao dịch ở mức giá 2.500 USD. Sau đó khoảng 3 tuần, giá đã tụt xuống còn 1.800 USD. Chỉ sau một thời gian ngắn lại leo dốc thẳng đứng và tăng 150%. Những diễn biến này chứng tỏ, Bitcoin là bong bóng dotcom kiểu mới.
Dàn máy đào Bitcoin
Tại Việt Nam, đà tăng giá liên tiếp của tiền ảo Bitcoin đã khiến thị trường máy “đào” Bitcoin và một số loại tiền ảo khác ngày càng trở nên hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu để bán lại máy “đào” với mục tiêu kiếm lời là chính.
Một bộ máy đào Bitcoin có giá khoảng 60-70 triệu đồng, thậm chí cao hơn, chưa kể chi phí mua sắm phần mềm và thuê “công nhân” đào tiền.
Chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng khả năng xử lý dữ liệu rất thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng, tuổi thọ trung bình của hầu hết các loại máy “đào” được nhập khẩu về Việt Nam chỉ vỏn vẹn 2-3 tháng, sau đó phải mua sắm lại toàn bộ.
Nếu không thay mới, tốc độ xử lý không cao, khả năng đào được Bitcoin rất thấp. Không chỉ chi phí cao do dàn máy đào không đạt chuẩn, số tiền thu được hầu như đều phụ thuộc vào máy đào.
Ngay cả khi đào được tiền, cũng chưa chắc sẽ bảo toàn được nguồn vốn đầu tư đã bỏ ra. Hiện tượng doanh nghiệp đã bỏ ra lượng tiền rất lớn để nhập khẩu ồ ạt các loại máy tính để “đào” Bitcoin và một số loại tiền ảo khác đã từng xảy ra, nhưng sau đó phải bán đồng nát do bị thua lỗ trầm trọng.
Ngày 21/7/2017, Ngân hàng Nhà nước có công văn số 5747 gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề bitcoin, litecoin với nội dung xác định các loại tiền ảo như trên không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định chung của pháp luật Việt Nam, “việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm”.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần cảnh báo những rủi ro đến tiền ảo Bitcoin, cho rằng sự xuất hiện của Bitcoin đã gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người sử dụng.
Mặc dù Bitcoin được phổ biến trên thế giới, nhưng các giao dịch bằng Bitcoin có tính ẩn danh cao, nên Bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch và thanh toán tài sản phi pháp.
Bên cạnh đó, Bitcoin là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn, người tham gia Bitcoin luôn luôn phải đối mặt với rủi ro vì không một ai đứng ra bảo về quyền lợi cho họ.
Liên quan đến trào lưu nhập khẩu máy “đào” Bitcoin, Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ khai thác tiền ảo, nên hầu hết các doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh tiền ảo đều dễ bị thất bại.
Hoạt động kinh doanh tiền ảo ẩn chứa nhiều rủi ro, và các nhà đầu tư cần tránh bị “cám dỗ” của Bitcoin và những loại tiền ảo khác để không bị rơi vào tình cảnh khốn quẫn. Do Trung Quốc siết chặt quản lý ICO, nên giá máy “đào” Bitcoin nhập khẩu có thể giảm sâu, nhưng không vì thế mà các nhà đầu tư tham gia “đào” Bitcoin háo hức mua sắm máy móc. Nên nhớ, kinh tế thế giới ngày càng khó khăn, không dễ có “của” từ trên trời rơi xuống để hưởng một cách dễ dàng.