Rộng vòng tay đón người có dấu hiệu loạn thần

Bác sĩ kiểm tra bệnh tình của một bệnh nhân có dấu hiệu loạn thần. Ảnh: Thanh Trần.
Bác sĩ kiểm tra bệnh tình của một bệnh nhân có dấu hiệu loạn thần. Ảnh: Thanh Trần.
TP - Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước chính thức tiếp nhận người có dấu hiệu loạn thần vào cơ sở y tế (CSYT) giúp họ có môi trường sống an toàn, được chăm sóc, điều trị đặc biệt, không phải chịu sự kỳ thị của cộng đồng như trước đây.

Quyết định nhân văn

Quyết định 901/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng về việc phối hợp tổ chức tiếp nhận người có dấu hiệu loạn thần đang có hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội tự nguyện vào CSYT để chữa bệnh, vừa có hiệu lực vào tháng 3 năm nay. Theo đó, đối tượng áp dụng là những người có biểu hiện rối loạn tâm thần lên cơn kích động; người có dấu hiệu bị loạn thần nghiện ma túy; người có dấu hiệu bị loạn thần vừa nhiễm HIV/AIDS vừa nghiện ma túy đang có hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội. Đơn vị tiếp nhận là Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

Bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, cho hay Việt Nam chưa có luật về sức khỏe tinh thần hay cụ thể luật nào quy định phải đưa người có dấu hiệu loạn thần vào CSYT. Các CSYT muốn tiếp nhận không biết dựa trên căn cứ pháp lý nào, và khi có sự cố xảy ra cũng không quy định ai đứng ra chịu trách nhiệm. “Các nước khác đã có luật này từ lâu và tiến hành điều trị rất tốt cho những người có hành vi không an toàn. Riêng Đà Nẵng đưa ra quyết định trên đã tạo căn cứ pháp lý và trách nhiệm trong việc tiếp nhận người có dấu hiệu loạn thần. Đây còn là quyết định hết sức nhân văn, bởi giúp họ có mái nhà chung, được chăm sóc điều trị trong môi trường y tế lành mạnh. Nơi ấy cũng cho họ một tâm thế an tâm hơn vì không chịu sự kỳ thị của cộng đồng. Ngoài ra còn hạn chế những nguy hiểm mà họ gây ra cho bản thân và những người xung  quanh”, bác sĩ Trung nói.

Quy trình tổ chức tiếp nhận được quy định rõ ràng. Sau khi phát hiện người có dấu hiệu loạn thần có hành vi nguy hiểm thì cơ quan công an xã, phường phối hợp với Trạm y tế lập biên bản vụ việc, hướng dẫn gia đình bệnh nhân hoặc tổ dân phố viết đơn đề nghị tiếp nhận bệnh nhân vào CSYT. Chủ tịch UBND xã, phường có văn bản đề nghị Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tiếp nhận và điều trị. Quyết định này cũng lưu ý việc tiếp nhận dựa trên sự tự nguyện của bệnh nhân hoặc gia đình. Theo bác sĩ Trung, quy trình tiếp nhận bài bản này giúp người nhà bệnh nhân bớt rườm rà, lúng túng khi thực hiện.

Điều trị vô thời hạn

Sau một tháng mở cửa đón những người có dấu hiệu loạn thần, đã có 6 bệnh nhân được đưa đến và điều trị trong Bệnh viện Tâm thần. Bệnh viện bố trí khu vực riêng, áp dụng phương pháp điều trị khác nhau cho từng nhóm bệnh nhân. Riêng bệnh nhân vừa loạn thần vừa nghiện ma túy, quá trình điều trị kết hợp với cắt cơn giải độc ma túy. Chi phí điều trị được thành phố hỗ trợ. Ngoài ra để đảm bảo an toàn, an ninh, lực lượng công an thường xuyên phối hợp chặt chẽ với bệnh viện.

Bác sĩ Trung cho hay thời gian điều trị cho những bệnh nhân này không hạn chế, từ khi tiếp nhận cho đến khi nào chấm dứt dấu hiệu loạn thần. “Mong muốn của  bệnh viện cũng như gia đình, là giúp họ lành bệnh, sớm làm chủ được hành vi, năng lực của bản thân. Do vậy nếu khống chế thời gian thì vô tình gây những tác hại không mong muốn. Đó là chưa kể với những bệnh nhân này, để hết bệnh không chỉ tùy thuộc vào sự tận tình của bác sĩ mà còn ở tình trạng và sự cố gắng của từng người”, bác sĩ Trung lưu ý.

Sau khi bệnh nhân xuất viện, trạm y tế ở địa phương sẽ phối hợp với gia đình bệnh nhân tiếp tục theo dõi, điều trị duy trì nếu cần thiết và giúp họ sớm ổn định cuộc sống. Trường hợp bệnh nhân không có thân nhân, không có nơi cư trú sẽ được cơ quan chức năng đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc lâu dài.

MỚI - NÓNG