Do bệnh nhi bị teo đường mật bẩm sinh nên vào lúc 3 tuổi rưỡi, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật Kasai để cải thiện tình trạng. Tuy nhiên, gần đây, sức khỏe của bé bắt đầu diễn biến xấu hơn khi đã 7 lần ói ra máu.
Bé K được chẩn đoán xơ gan, tăng áp cửa/teo đường mật, bắt buộc phải phẫu thuật ghép gan nhanh chóng.
Cuộc phẫu thuật diễn ra hơn 11 giờ đồng hồ, với sự chuẩn bị và phối hợp của các ê-kip phẫu thuật trong và ngoài bênh viện, cùng với sự cố vấn của các giáo sư chuyên gia đầu ngành về ghép tạng trẻ em. Theo nhận định của Th.S BS Trần Thanh Trí – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp BV Nhi đồng 2, đây là ca ghép gan ở trẻ lớn bằng kỹ thuật mới với nhiều khó khăn trong lấy và ghép gan.
Cụ thể, vì đây là phương pháp tách gan với kĩ thuật mới nên người cho gan gặp tình trạng dính trong ổ bụng, tăng áp lực tĩnh mạch cửa nặng làm dãn các tĩnh mạch ở màn hệ trong ổ bụng gây mất máu nhiều hơn. Cùng với những biến đổi về giải phẫu học: chỉ nối một động mạch của bé K, nhưng phải nối cả hai đường mật.
Hiện tại, sức khỏe của người cho và nhận gan đã tạm ổn định. Tuy nhiên bệnh nhi vẫn đang xuất hiện tình trạng tràng dịch màng phổi và xẹp phổi phải. Cũng theo BS Trí, đây chỉ là trình trạng thường gặp của các bệnh nhân sau phẫu thuật và có thể cải thiện sau một tuần điều trị.
Teo đường mật là một bệnh lý tắc đường mật trong hoặc ngoài gan hoặc toàn bộ đường mật, là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vàng da do ứ mật ở trẻ sơ sinh. Có tỷ lệ mắc vào khoảng 1/10.000 trẻ sơ sinh.