Rồng trong tranh Việt

TP - Nhà giáo ưu tú Đoàn Văn Nguyên, cựu giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007, lý giải: “Vẽ rồng khó đẹp vì đó là con vật của tưởng tượng, không có thật. Tưởng tượng kiểu gì cũng không được ra rắn, ra mèo… Khó ở chỗ ấy”. Nhưng càng khó càng thách thức họa sĩ chinh phục. Vì thế, tranh rồng vẫn rộn ràng, phong phú, đủ thỏa mãn nhu cầu thưởng thức và sở hữu của người yêu hội họa Việt.

Không đợi năm Thìn mới vẽ rồng

Sau mấy chục năm cầm cọ, họa sĩ Đoàn Văn Nguyên chỉ có duy nhất một bức tranh rồng. Nhiều họa sĩ bầu chọn con rồng đẹp nhất trong lịch sử chính là rồng thời Lý. Đoàn Văn Nguyên đã tái hiện rồng thời Lý bằng chất liệu sơn mài, chất liệu đã làm nên tên tuổi của ông, kích thước khoảng 60 cm x70cm. Họa sĩ không chấp nhận sao chép, ông tạo ra con rồng thời Lý cách điệu, mang dấu ấn cá nhân: “Tôi quy thành mảng hội họa, các họa tiết được biến tấu, các đường gân, vẩy rồng được tăng lên, kết hợp với mây, đúng kiểu rồng bay phượng múa”. Đoàn Văn Nguyên không chờ đến năm Thìn mới vẽ rồng. Tác phẩm của ông ra đời đã lâu, khoảng năm 2015, khi ông đang dạt dào cảm hứng vẽ loài vật, từ ngựa, dê tới rồng…

Rồng trong tranh Việt ảnh 1

Tranh rồng của Đoàn Văn Nguyên

Giống như họa sĩ Đoàn Văn Nguyên, họa sĩ Đặng Xuân Hòa cũng không đợi đến năm Thìn mới vẽ rồng. Ông bày tỏ: “Rồng là biểu tượng tâm linh quyền quý, linh thiêng của người châu Á nói chung, người Việt nói riêng. Do đó, với tôi đây là đề tài lớn trong nghệ thuật, lúc nào có cảm hứng thì tôi vẽ, chứ không đợi đến năm Thìn mới vẽ”. Danh họa vẽ rồng trên cả giấy điệp và sơn dầu khổ lớn: “Rồng có thể là chi tiết trong tranh của tôi, cũng có thể là chủ đề chính của tranh như để lưu giữ văn hóa truyền thống, tinh thần mạnh mẽ vươn lên của dân tộc ta từ xưa đến nay”.

Có những họa sĩ nổi tiếng chưa từng vẽ rồng, như Đào Hải Phong. Họa sĩ của nhà và cây tiết lộ: “Tôi không biết vẽ rồng”. Phóng viên hỏi: “Anh không biết vẽ hay là không thích vẽ?”. Đào Hải Phong quan niệm: “Nếu vẽ không được đẹp như tôi tưởng tượng thì gọi là không biết vẽ”. Theo Đào Hải Phong, cổ nhân đã tạo ra những con rồng xuất sắc, người đời sau khó vượt. Anh mê rồng thời Lý, Trần, Lê.

Ai vẽ rồng tuyệt nhất?

Theo bình chọn của nhà giáo ưu tú, họa sĩ Đoàn Văn Nguyên, người vẽ rồng tuyệt nhất chính là cố danh họa Nguyễn Tư Nghiêm (1918-2016): “Ông ấy vẽ rồng đẹp nhất. Rồng của Nguyễn Tư Nghiêm là đỉnh cao của hội hoạ. Rồng của Nguyễn Tư Nghiêm đơn giản, tạo hình phong phú, rất Á Đông, nhưng lại không giống rồng Trung Quốc, không giống rồng thời Lý, một con rồng do chính ông sáng tạo ra. Mảng hội họa phải nói cực đẹp. Chất liệu ông thường dùng là bột màu”.

Chỉ cần tưởng tượng và vẽ

Liệu rồng thời Lý, Trần, Lê có tạo áp lực cho các họa sĩ đương đại? Nhân vật đắt giá nhất của dòng sơn dầu hiện nay đáp: “Tôi vẽ rồng không áp lực, rồng từ thời Lý, Trần, Lê đã rất nổi tiếng với vẻ đẹp rất Việt Nam, chúng đã sống trong tâm hồn người Việt nói chung, trong tâm hồn của họa sĩ Việt nói riêng”. Đặng Xuân Hòa bày tỏ: “Tôi rung động trước vẻ đẹp từ vốn cổ của cha ông”. Ông tiếp thu tinh hoa vốn cổ. Rồng của danh họa hấp dẫn nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước bởi sự mạnh mẽ, phóng khoáng trên nền nghệ thuật rồng chạm khắc cổ Việt Nam. Mặt khác, đó còn là con rồng trong tâm tưởng của người cầm cọ. Đặng Xuân Hòa chia sẻ về con rồng trên giấy điệp đang thuộc sở hữu của nhà sưu tập Nguyễn Thiều Quang: “Tôi dùng chất liệu bột màu vẽ trên giấy điệp. Bức tranh là sự tìm tòi về hoà sắc rồng năm 2020, dưới góc nhìn thời nay, bút pháp cách điệu trên tinh thần nghệ thuật truyền thống. Việc sử dụng chất liệu mộc mạc cho thấy đâu đó tinh thần cốt cách, tâm hồn của con người Việt Nam và cũng gần gũi với nghệ thuật hiện đại”. Với Đặng Xuân Hòa, vẽ rồng là hành trình sáng tạo tự do và thú vị: “Rồng là con vật không có thực khác với những con giáp khác. Nó là biểu tượng trong ý niệm nên vẽ rồng đồng nghĩa với việc được thỏa sức sáng tạo, chỉ cần tưởng tượng và vẽ”. Theo ông, vẽ rồng không khó, chỉ cần người cầm cọ thoát ra khỏi ám ảnh đâu đó và không sao chép vốn cổ thì càng vẽ lại càng đam mê, càng kích thích tìm tòi.

Rồng trong tranh Việt ảnh 2

Tranh rồng của cố danh họa Nguyễn Tư Nghiêm (thuộc sở hữu của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn)

Họa sĩ thế hệ 7x, 8x lại có những băn khoăn khác khi vẽ rồng. Họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh nhìn nhận: “Vẽ rồng không khó mà tự người họa sĩ đưa mình vào thế khó. Hình tượng rồng thường được gắn với những gì cao quí, linh thiêng. Tạo hình thì chuẩn mực từng thời. Tư duy ấy ngấm sâu vào tiềm thức người Việt. Bây giờ vẽ khác đi thì sợ. Tự mình sợ không giống với con rồng, dù chẳng ai nhìn thấy rồng bao giờ”. Họa sĩ sinh năm 1975 nói thêm: “Có một số họa sĩ vẽ rồng theo phong cách hiện đại khá đẹp nhưng con rồng ấy không gần gũi với nhân dân nên chỉ vẽ chơi vài bức, chủ yếu là vẽ vào năm Thìn hoặc tặng bạn tuổi rồng, chứ không dùng nó như một đối tượng sáng tác”. Nguyễn Đoan Ninh cũng chỉ vẽ rồng theo hướng chơi là chính: “Tôi không đặt vấn đề sáng tạo hay kế thừa. Tôi chỉ vẽ theo cách của tôi”.

Chạm tới rồng, không khó!

Có những người ngắm ảnh rồng được chụp từ tranh Đặng Xuân Hòa đã vội thốt lên: “Tiếc là, mình chưa đủ tầm để với được tranh Đặng Xuân Hòa”. Như chính tác giả giới thiệu, ông có những bức tranh rồng trên chất liệu sơn dầu khổ lớn. Tất nhiên, với những con rồng lớn của Đặng Xuân Hòa không phải ai cũng đủ khả năng rước về. Chúng cũng đã “du lịch” khắp thế giới. Trong đại dịch, nhà sưu tập Thiều Quang rước một bức rồng, sơn dầu, khổ lớn của Đặng Xuân Hòa từ nước ngoài về Việt Nam, với chi phí đắt đỏ. Nhưng một tác phẩm nghệ thuật giá trị không tuỳ thuộc chất liệu, kích thước. Bởi cái đẹp tự nó cất lên tiếng nói. Bảo tàng tư nhân Quang San với hàng ngàn bức tranh, chỉ có duy nhất 2 bức tranh rồng, đều của Đặng Xuân Hòa: Một bức sơn dầu khổ lớn, kích thước khoảng 1m x 2m, một bức giấy điệp kích thước nhỏ, 37 cm x52 cm. Những bức rồng trên giấy của danh họa theo tiết lộ của một số nhà sưu tập, có giá dao động khoảng 1.200-1.500 USD (khoảng trên dưới 30 triệu đồng). Dù giá cả khá dễ chịu với những người chơi tranh song Đặng Xuân Hòa không vẽ nhiều rồng, không có tranh tồn. Muốn sở hữu tranh rồng của Đặng Xuân Hòa thì nên “đặt hàng” và đợi cảm hứng của danh họa.

Rồng trong tranh Việt ảnh 3

Tranh rồng trên giấy điệp của Đặng Xuân Hòa (thuộc sở hữu của nhà sưu tập Nguyễn Thiều Quang)

Thị trường tranh rồng vô cùng phong phú. Nếu không thể chạm tới tranh của những tác giả tên tuổi lớn, vẫn còn những lựa chọn khác. Chẳng hạn, tranh rồng trên chất liệu lụa, kích thước 25 cm x35 cm, của họa sĩ Tô Chiêm được bán với giá khoảng 4 triệu đồng. Tầm giá này được nhiều người “chấm” vì họ có thể mua để chơi dịp Tết hoặc làm quà tặng bạn bè, người thân. Tô Chiêm cho biết, rồng của anh là “rồng bình dân” 4 móng. Không phải rồng của vua, 5 móng. Con rồng bằng sơn mài của Đoàn Văn Nguyên dao động trong khoảng trên, dưới 100 triệu đồng. Nhắc đến họa sĩ Việt có nhiều tranh rồng không thể quên Lê Trí Dũng. Ông cũng vừa vẽ thêm một số tranh rồng rạo rực không khí Tết.

Có những người lại đi tìm rồng của các danh họa đã khuất. Chưa cần tham khảo giá, đã biết họ phải tự tin với tài chính và chịu chơi, mới tìm những con rồng có “xuất xứ” đặc biệt như thế!