Rồi bình yên sẽ tới!

TP - Huy, công nhân đang làm việc tại một doanh nghiệp ở Bình Dương, đặt món quà là chiếc hộp đựng bánh kẹo Tết, rồi tỉ mẩn ngồi phun dòng chữ “Mẹ là mùa Xuân của chúng con” rồi gửi về quê.

Huy quê ở Nam Định, năm nào cũng thế, đi làm ăn xa nhà, tầm này là đã sửa soạn để chuẩn bị về quê đón Tết cùng bố mẹ. Năm nay, dịch COVID -19 lại một lần nữa bùng lên dịp cuối năm, chàng trai trẻ đành ngậm ngùi đón Tết xa nhà. “Biết mẹ sẽ buồn và thương con, nhưng tình hình dịch diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, tôi chọn phương án an toàn cho mình và mọi người”, Huy chia sẻ.

Nhiều công nhân như Huy, đồng loạt lên facebook đăng dòng trạng thái với nội dung “Chúng ta cùng chung tay đẩy lùi dịch, cùng đón một cái Tết ngồi im cho bình yên tới nào”, khi Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến rất gần. Hỏi họ “Có về quê ăn Tết không?” ai nấy đều trả lời: “Lúc này, ai ở đâu thì nên ngồi yên ở đấy”; “Bớt đi lại sẽ hạn chế được dịch bệnh anh ơi”… Những câu trả lời mang đầy tinh thần trách nhiệm, mang ý thức phòng chống dịch COVID-19 rất cao làm nhiều người cảm động. Cho dù ở họ, đều có chung hoàn cảnh “ở trọ” và Tết chỉ mong về quê, khát khao về quây quần bên người thân của mình, bên mâm cỗ đón giao thừa. Trung, công nhân tại khu công nghiệp Sóng Thần, Dĩ An, Bình Dương chia sẻ, trong ngày 2/2 đã đến ga Dĩ An để trả lại vé tàu. Dù biết, Tết nơi đất khách quê người thật sự sẽ buồn vì nhớ nhà, vợ và con sẽ ngóng trông nhưng Trung nói “rồi mọi chuyện sẽ qua”. 

Tại TPHCM, số liệu của Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp cho thấy, khoảng 76%, tương đương 209.000 lao động không về quê đón Tết vì dịch COVID - 19 nổ ra. Đồng Nai và Bình Dương, nơi có cả triệu công nhân cũng sẽ chọn phương án “Xuân này con không về” cũng vì dịch bệnh.

Trên tinh thần không ép buộc, nhưng quan điểm của lãnh đạo các tỉnh Đông Nam Bộ là sẽ tư vấn cho người lao động có quê ở tâm dịch như Hải Dương, Quảng Ninh... hiểu, để họ ở lại ăn Tết với tinh thần thoải mái, chờ dịp thích hợp sẽ về quê thăm gia đình. Bởi, đối với những tỉnh có dịch, nếu người lao động về quê, khi quay lại phải lấy mẫu xét nghiệm, thậm chí phải thực hiện cách ly là điều chẳng đặng đừng.

Nhiều tỉnh  như Bình Dương và Đồng Nai cũng tuyên truyền, vận động công nhân quê ở những vùng có dịch nên ở lại ăn Tết. Họ quyết định dừng tổ chức chương trình “Chuyến xe nghĩa tình” cho người lao động. Đây là những chuyến xe đưa khoảng 8.000 công nhân làm việc về quê ăn Tết hằng năm. Thay vì hỗ trợ vé xe về Tết, Bình Dương hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi công nhân khó khăn ở lại.

Về ăn Tết với gia đình nhưng mang nỗi lo âu đưa dịch về nhà, hay không may đưa dịch trở lại công ty là việc không đành lòng. Nếu về quê dịp này, họ cũng không dám đi đâu chơi, không thể đi chúc Tết họ hàng, bạn bè… Ý thức được điều này, nhiều công nhân tại các doanh nghiệp chấp nhận ở lại và hẹn về quê khi trời yên bể lặng. 

Chậm lại một chút, bỏ bớt những tất bật ồn ào của cuộc sống, chúng ta cùng nhau đón một cái Tết giản dị hơn, hạn chế đi lại, hạn chế tiệc tùng, hạn chế thăm hỏi… để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Chúng ta đã vượt qua được mùa COVID- 19 thứ nhất, đã thiết lập được trạng thái bình thường mới trong nhiều tháng qua, được yên tâm học tập và làm việc trong an toàn. Vậy nên lần này cũng thế, mỗi người thêm một chút, rồi thêm một chút nữa ý thức tự bảo vệ mình, mang lại an toàn cho cộng đồng, rồi chúng ta sẽ vượt qua thôi. Cứ hãy ngồi im, rồi bình yên sẽ tới! 

MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...