Đấu rap có gì xấu?
ICD (quán quân King of Rap 2020) trong trận đấu với Tage (thí sinh Rap Việt) được nhận xét là có chừng mực, không sa vào bậy tục, tiết lộ bí quyết: “Tôi cứ hình dung trong số khán giả có những người như bố mẹ tôi thì tức khắc có câu trả lời”.
Các rapper đều tự học hầu hết qua mạng, mỗi người chắt lọc thông tin một kiểu cộng với cá tính riêng sẽ dẫn đến những con đường khác nhau. “Đôi khi họ không quan tâm đến âm nhạc hay công chúng mà chỉ quan tâm đến vị thế của mình trong dòng nhạc đấy thôi. Tức là anh ta đặt nặng máu ăn thua hơn âm nhạc. Anh phải có máu ăn thua mới dissing (đấu rap để công kích đối thủ- PV) chứ”, một rapper tạm gọi là X khẳng định.
Phúc Bồ. Ảnh: NVCC |
Đấu rap dù sao vẫn là cách cọ xát chuyên môn thể hiện trình độ của rapper. Vì thế một người chưa tham gia đấu bao giờ như Phúc Bồ vẫn khẳng định: “Nếu có ai thách đấu thì tôi sẽ đấu lại thôi, bởi đây là "luật chơi" mà, nhưng sẽ trong lối văn và theo văn hóa của riêng tôi”.
“Ở Việt Nam, hip hop hay bất kỳ dòng nhạc nào cũng cần có thời gian và không gian để phát triển. Nó không sao chép nguyên bản của bất kỳ nơi nào mà sẽ phát triển theo tư duy, lối sống và cảm thụ của giới trẻ mỗi vùng miền theo từng giai đoạn. Người nghe cũng sẽ giúp nghệ sĩ hip hop biết họ cần phải làm gì để tạo ra những sản phẩm thú vị đóng góp vào văn hóa của đất nước một cách thiết thực và chính xác nhất”.
Nhà sản xuất, rapper Phúc Bồ
Về đấu rap, có hẳn một phim là 8 mile do Eminem thủ vai chính, cũng dựa một phần theo cuộc đời của anh. Có thể thấy nhân vật chính có xuất thân ở tầng lớp dưới đáy và phải lao động rất vất vả để kiếm sống. Rap là cách để những người như anh giải tỏa, kể lại câu chuyện đời mình hay cũng có thể để giao lưu một cách đầy bạo lực, không chỉ bằng ngôn từ. Tất nhiên bộ phim cũng chỉ có thể chuyển tải phần nào thực tế của rap ở Mỹ vào thời điểm giữa những năm 1990.
Thế nào là “chất”?
Một số rapper Việt lý giải việc viết bài gây sốc để “làm được rap Việt như rap Mỹ”. Nhưng thực chất họ đang làm theo cách hiểu của họ về “rap Mỹ” chứ có ai đã rap ở Mỹ đâu, X phân tích. Hiện thực và văn hóa Mỹ đã sản sinh ra rap. Và khi rap du nhập vào một xứ sở khác, văn hóa khác chắc chắn sẽ không thể bệ nguyên những giá trị Mỹ được.
“Có thể rapper cũng chẳng chơi ma túy đâu nhưng nghe nhạc có nội dung đó, khán giả bị ảnh hưởng. Bạn cứ bảo thích lắm, phê lắm, người ta cũng sẽ tưởng tượng ra cảnh đó, muốn thử trải nghiệm những cảm giác đó. Như thế bạn đã vô tình hay cố ý lan tỏa nguồn năng lượng xấu”, X phân tích về những MV của rapper Việt nhắc đến ma túy thời gian gần đây.
Một cảnh trong MV |
ICD chia sẻ, “tránh xa” là phản ứng đầu tiên khi lần đầu tiếp xúc với các bài rap bậy. Nhưng sau khi tìm hiểu, biết mỗi rapper sẽ có những mảng đề tài riêng thì anh đã nghe. “Nó không hề tác động đến cuộc sống của tôi. Mặc dù tôi nghe những văn hóa nhạc khá là 18+, nhưng tôi sống vẫn đàng hoàng và làm thứ nhạc của riêng mình. Tôi thấy mọi người có xu hướng đặt cảm tính lên đầu. Ít ai thực sự dành thời gian để nhìn nhận vấn đề. Thường chướng tai gai mắt là họ sẽ kết luận luôn. Tất nhiên kết luận đó có thể đúng, nhưng cũng có thể sai”, anh phân tích.
Đen Vâu được khán giả đại trà yêu thích nhưng trong giới lại không cho là “ngầu”. Họ đề cao phong cách “sống chất”, tức là hướng đến những đề tài có tính cấm kỵ với những cách thể hiện bạo liệt. Ca sĩ Hà Lê cho hay: “Phần lớn các bài rap gây sốc được làm mấy năm trước, khi các rapper áp nguyên xi những cái họ xem được vào bài, dẫn tới việc dân mình cảm thấy phản cảm, đánh giá sai lệch về rap, về hip hop. Vì các bạn ấy du nhập nhưng không có chọn lọc và cũng chưa biết chắt lọc tinh túy của văn hóa Việt để đưa vào”.
Hà Lê. Ảnh: N.M.Hà |
Hà Lê không phủ nhận underground (dòng chảy ngầm) vẫn là nơi để các rapper “rèn luyện các bộ kỹ năng, các phản xạ là những phần không thể thiếu của văn hóa rap”. “Còn khi chúng ta đang làm công tác giới thiệu cho khán giả đại chúng hiểu hơn và trân trọng bộ môn này hơn, phải tốt khoe xấu che. Nên như vậy. Nó sẽ giúp các rapper Việt Nam hiểu hơn về bản sắc, hiểu hơn về văn hóa Việt. Từ đấy môn du nhập từ nước ngoài sẽ mang phong cách Việt nhiều hơn, lúc ấy mình có thể tự hào gọi nó là rap Việt, còn nếu không nó vẫn là rap lai căng, rap không rõ bản chất”, ca sĩ Hà Lê phân tích.
“Khi chúng ta đang làm công tác giới thiệu cho khán giả đại chúng hiểu hơn và trân trọng bộ môn này hơn, phải tốt khoe xấu che. Nên như vậy. Nó sẽ giúp các rapper Việt Nam hiểu hơn về bản sắc, hiểu hơn về văn hóa Việt. Từ đấy môn du nhập từ nước ngoài sẽ mang phong cách Việt nhiều hơn, lúc ấy mình có thể tự hào gọi nó là rap Việt, còn nếu không nó vẫn là rap lai căng, rap không rõ bản chất”, ca sĩ Hà Lê.
Hai show truyền hình góp vai trò quan trọng trong việc “pop hóa” rap Việt đều dựa theo các chương trình đình đám của Hàn Quốc và Thái Lan. Việt Nam chắc cũng có thể học hỏi ít nhiều về cách quản lý và phát triển nhạc rap của hai nước này. “Với Hàn Quốc, âm nhạc và giải trí là ngành kinh tế trọng điểm nên chắc chắn hip hop sẽ được hỗ trợ để tạo ra nhiều cuộc chơi. Nơi đâu cũng có rất nhiều nhân tài, nhưng chỉ có những nơi có nhiều sân chơi thì nhân tài mới có cơ hội lộ diện và phát huy”, Phúc Bồ nói.
Giao thời
Tầm này năm ngoái, rap Việt soán ngôi nhiều dòng nhạc khác trong đời sống giải trí. Còn giờ này vẫn nó khiến người ta phải đặt nhiều câu hỏi về tính chuẩn mực. “Văn hóa hip hop xuất phát từ đường phố, nói lên đời sống thật của người trẻ”, rapper Phúc Bồ nhấn mạnh. “Nó giống như ta đang nói chuyện với nhau ở đường phố, không phải trong thánh đường hay trong một một buổi họp trang nghiêm. Không thể áp đặt phong cách của dòng nhạc chính thống vào văn hóa hip hop. Đừng bắt hip hop phải chuẩn chỉnh và công sở nghiêm túc. Bởi hip hop khởi nguồn và đại diện cho một tâm hồn tự do”, anh nêu quan điểm.
ICD nhìn nhận tình thế hiện tại: “Cần thời gian khá dài nữa để cộng đồng nhạc rap và công chúng có cái nhìn chung. Còn hiện tại thực sự rất khó nếu không muốn nói là chưa thể tìm ra tiếng nói chung. Hai bên cần có thời gian để lắng nghe, thuyết phục nhau”.
Một trong những khái niệm làm ICD cảm thấy phân vân chính là “thuần phong mỹ tục”: “Nó phần nhiều đến từ cảm tính của người Việt khiến cho những người làm nghệ thuật khá bối rối. Khi mọi người cứ tấm tắc khen nước ngoài làm sản phẩm táo bạo, đầy nghệ thuật… Mình cũng muốn thế mà không được làm”. Anh ví dụ cùng trang phục ấy, hành động ấy nếu diễn viên trong phim nước ngoài thực hiện sẽ khiến khán giả Việt phấn khích, nhưng nếu là diễn viên Việt Nam rất có thể sẽ bị chê.