Ra Trường Sa 'xin' chữ thánh hiền

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiếc bút lông nhỏ xíu trong bàn tay tài hoa của sư thầy cứ nhanh chậm, lên xuống, nhấn nhá, thanh đậm… như rồng bay phượng múa. Trên mặt của những vỏ ốc, vỏ sò, hay san hô phong hoá, nét chữ bay bướm cứ dần hiện ra trước những cặp mắt dán chặt theo từng nét chữ.

Linh thiêng mái chùa

Như một cơ duyên, nơi chúng tôi đặt chân lên đầu tiên trong chuyến hành trình ra thăm quần đảo Trường Sa lại là chùa Song Tử Tây, nằm trên đảo Song Tử Tây. Khi chân vừa chạm đảo, một trận mưa rào ập đến, cổng chùa gần bến thuyền nhất nên mọi người chạy ùa vào tránh mưa. Đứng dưới hiên chùa, nhìn những giọt mưa xuyên ánh mặt trời rơi tí tách trên cành lá, rồi những dòng nước đổ dài từ mái chùa cong vút bỗng dưng thấy thân tâm mình thanh thản, an lạc đến lạ thường.

Ra Trường Sa 'xin' chữ thánh hiền ảnh 1

Sư thầy hoan hỉ, trân trọng trao chữ cho người xin

Sư thầy Thích Nhuận Vạn, trụ trì chùa Song Tử Tây cho biết, đã 6 tháng nay trên đảo không có lấy một giọt mưa, đây là trận mưa đầu tiên trong năm nay. Những trận mưa như thế này, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo vẫn thường gọi với cái tên trìu mến là “trận mưa vàng”. Sư thầy nói, đoàn công tác đã hữu duyên mang “trận mưa vàng” đến đảo.

“Cứ mỗi lần có đoàn ra thăm đảo, y như rằng thầy bỏ cơm buổi tối hôm đó vì quá đông người xin chữ. Mà với thầy thì lại không nỡ để ai đó về tay không. Nhìn thầy những lúc như thế thì thương lắm, nhưng thầy thì vẫn cứ hoan hỉ với mọi người vậy đó”.

Một nữ cư dân trên đảo Trường Sa

Trong hành trình đến với quần đảo Trường Sa, có lẽ ấn tượng nhất đối với tôi chính là hình ảnh những mái chùa mềm mại, cong vút. Dù quy mô khác nhau, nhưng những ngôi chùa ở Trường Sa đều có đủ tam quan, sân chùa, gác chuông, nhà chính điện, nhà tiền đường… mang nét đặc trưng riêng của kiến trúc chùa Việt.

Thầy Thích Nhuận Vạn chia sẻ: Trong tâm thức người Việt, thì đình, chùa là điểm tựa tâm linh, là nơi gửi gắm khát vọng bình an. Chính vì thế mà ngày Rằm và Mồng 1, cán bộ, chiến sỹ và bà con trên đảo vẫn thường đến thắp hương, cầu nguyện. Thi thoảng chùa còn đón những ngư dân đi biển dài ngày ghé qua lễ Phật cầu mong sóng yên, biển lặng, may mắn, an lành. Chính vì thế mà những ngôi chùa ở Trường Sa được ví như “cột mốc tinh thần” là điểm tựa an yên của quân và dân giữa mênh mông trời nước Trường Sa.

Ra Trường Sa 'xin' chữ thánh hiền ảnh 2

Mái chùa cong vút ở đảo Song tử Tây

Khác với những ngôi chùa trong đất liền, những sư thầy ra đây phải tự mình làm lấy mọi việc từ Phật sự cho đến ăn uống sinh hoạt hằng ngày. Thi thoảng cán bộ, chiến sỹ và bà con cư dân trên đảo rảnh rỗi cũng đến giúp nhà chùa quét dọn, cắt cây tỉa cành. Vất vả là vậy nhưng không ít các sư thầy khi ra trụ trì những ngôi chùa ở Trường Sa đã tự nguyện xin được ở lại cùng với quân và dân trên đảo. “Tu đâu cũng là tu, nhưng tu ở đây thì mình còn cống hiến một phần công sức nho nhỏ trong bảo vệ biên cương Tổ quốc” - sư thầy Thích Nhuận Đạt, trụ trì chùa Trường Sa, người đã tự nguyện luân phiên ở lại các chùa ở Trường Sa hơn 11 năm nay tâm sự.

“Thầy ơi cho con chữ an”; “thầy ơi cho con chữ phúc”… Chiếc bút lông nhỏ xíu trong bàn tay tài hoa của sư thầy cứ nhanh chậm, lên xuống, nhấn nhá, thanh đậm… như rồng bay phượng múa. Những viên đá vô tri ấy chỉ trong chốc lát đã trở nên có hồn như một bức họa.

Thư pháp trên đá

Là người có kinh nghiệm nhiều lần ra Trường Sa, vừa hoàn thành tác nghiệp, anh Lê Quang Hải, phóng viên VOV vỗ vai tôi thì thầm “đi xin chữ thánh hiền”. Thấy tôi trố mắt có vẻ ngạc nhiên, anh Hải nắm tay tôi lôi đi “nhanh lên không là hết lượt đó”.

Nơi anh Hải đưa tôi đến là Chùa Trường Sa, phía thư phòng đã có rất nhiều người xúm xít quanh sư thầy Thích Nhuận Đạt, xin chữ. Cũng đã từng xin chữ thánh hiền, từng xem viết thư pháp nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến viết thư pháp trên đá (san hô phong hoá. PV).

“Thầy ơi cho con chữ an”; “thầy ơi cho con chữ phúc”… Chiếc bút lông nhỏ xíu trong bàn tay tài hoa của sư thầy cứ nhanh chậm, lên xuống, nhấn nhá, thanh đậm… như rồng bay phượng múa. Những viên đá vô tri ấy chỉ trong chốc lát đã trở nên có hồn như một bức hoạ.

Sư thầy kể: Trước khi ra Trường Sa sư thầy không hề biết thư pháp là gì. Ở đây thời gian rỗi cũng nhiều nên thầy tập viết thư pháp. Ban đầu tập viết trên giấy, nhưng giấy ở Trường Sa không phải lúc nào cũng có. Thứ nhiều nhất ở Trường Sa là vỏ ốc, vỏ sò, san hô phong hoá và sư thầy đã nhặt về thay giấy luyện chữ.

Để viết chữ trên đá khó gấp vạn lần trên giấy, vì đá không chỉ hình thù vuông tròn khác nhau, mà còn chỗ lồi, chỗ lõm. Trong lúc đó, tiêu chuẩn để đánh giá một tác phẩm thư pháp thường bao gồm nhiều yếu tố rất khắt khe như: đường nét, bố cục, hồn cốt của tác phẩm… “Một chữ viết ra được xem là thành công thì đường nét, bố cục phải tương thích với hình thù của viên đá, hoặc vỏ ốc, vỏ sò. Muốn làm được điều đó người viết phải tập trung cao độ, mà trong Phật pháp gọi là “chánh niệm” - Sư thầy Thích Nhuận Đạt cho biết.

Luyện mãi cũng thành công, sư thầy chọn những chữ ưng ý nhất trưng bày trong chùa. Những đoàn khách từ đất liền ra đảo, đến thăm viếng chùa, nhìn thấy thích, xin về làm kỷ niệm. Tiếng lành đồn xa, cũng không biết từ bao giờ, cứ đoàn công tác nào ra thăm đảo cũng rủ nhau đến chùa xin chữ của sư thầy.

Mỗi đoàn công tác thường 200 đến 300 người. Để có đủ “vật liệu” viết chữ, mỗi khi rảnh rỗi sư thầy lại ra mép nước nhặt những vỏ ốc, vỏ sò, san hô phong hoá dạt vào bờ mang về để sẵn trong chùa, ai thích hình thù gì thì ra đó lựa chọn, sau đó mang vào xin chữ của thầy. Tuy nhiên, một nguyên tắc bất di bất dịch của sư thầy là mỗi người chỉ được xin một chữ. “Chữ mà mọi người xin nhiều nhất là “an”, “phúc”, “tâm”, “trí”… Qua đó cũng thấy được người dân của mình luôn hướng đến sự an yên, thiện lành và trí tuệ. Đó là phúc của quốc gia, xã tắc” - sư thầy Thích Nhuận Đạt tâm sự.

Đoàn của chúng tôi có hơn 200 người, cứ hết lượt nhóm này đến nhóm khác ra vào xin chữ. Sư thầy vẫn cứ thế ngồi xếp bằng trong tư thế thiền, chậm rãi, nắn nót từng nét chữ. Ngồi quan sát sư thầy viết chữ mới ngộ hai chữ “chánh niệm” mà sư thầy nói. Phải đạt đến một sự tập trung tuyệt đối nào đó mới điều khiển được nét bút lông thanh thoát và chính xác đến như vậy. Không thừa, không thiếu, không đứt quãng bất cứ một nét chữ nào dù đó là vỏ ốc, vỏ sò sần sùi, hay viên san hô lồi lõm.

Mỗi chữ hoàn thành, sư thầy thường nhìn ngắm rất cẩn thận, trước khi trân trọng và hoan hỉ hai tay trao cho người xin chữ. Hàng trăm chữ cho đi là hàng trăm tác phẩm thư pháp của thầy Thích Nhuận Đạt gửi về đất liền mang những thông điệp an lành từ Trường Sa thân yêu.

MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Ngày 28/9/2024, khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh đón Ban tổ chức cùng đoàn đại biểu của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) đến thăm và Thảo luận chương trình Đại lễ Vesak 2025. Tại đây, các đại biểu đồng nhất cho rằng núi Bà Đen sẽ là điểm phải đến của hàng nghìn đại biểu trong dịp Đại lễ Vesak.