Tác nghiệp trên tàu Trường Sa 571

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Chương trình truyền thanh của đoàn công tác tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan bộ, ngành trung ương, địa phương trên tàu 571.

Trong chương trình truyền thanh hôm nay, kính mời Thủ trưởng, các đại biểu và các đồng chí đón nghe...”- cứ đúng 20h30 hằng đêm, giữa biển khơi mênh mông, trên con tàu hải quân “Trường Sa 571” đang lướt sóng, nhạc hiệu và lời rao được vang lên truyền đến tất cả các phòng qua hệ thống loa trong một tuần chúng tôi đi thăm và làm việc với quân và dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Khi Phó Giám đốc làm phát thanh viên

Tác nghiệp trên tàu Trường Sa 571 ảnh 1

Phóng viên Tiền Phong đang trao đổi với chiến sỹ Hải quân trên đảo Trường Sa lớn

Ai đã từng một lần bước lên tàu đến với quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1 đều rưng rưng cảm xúc khi tiếng còi tàu vang lên, báo hiệu tàu rời đất liền bắt đầu hành trình những ngày theo con sóng ra biển khơi. Đối với những người làm báo thì đây cũng là lúc các phóng viên tìm những góc máy đẹp nhất để lưu lại thời khắc tàu rời cảng.

“Trong hành trình hướng về biển đảo, thật trùng hợp và may mắn khi Đoàn công tác số 15 đến thăm thị trấn Trường Sa vào đúng ngày 7/5- cả nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - trận chiến lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Đồng thời, cũng là Ngày Kỷ niệm 69 năm thành lập Quân chủng Hải quân... Ngay từ sáng sớm, các đại biểu trong đoàn công tác đã chỉnh tề trang phục tham dự lễ Chào cờ thiêng liêng, đầy tự hào của mỗi người con Việt Nam, tại tuyến đầu của Tổ quốc. Được nhìn ngắm quốc kỳ bay phấp phới dưới nắng và gió của Biển Đông, giữa chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Các đại biểu trong đoàn ai nấy cũng đều rất xúc động và tự hào khi hát vang Quốc ca. Dưới nắng và gió của Trường Sa, những bước chân hiên ngang của những cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thị trấn Trường Sa khiến các đại biểu vô cùng xúc động khi được chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng, khó ai có thể cảm nhận được trong cuộc sống thường nhật” - trích Chương trình truyền thanh trên tàu, tối 7/5.

Chuyến đi của Đoàn công tác số 15 rời đất liền sáng sớm 3/5, cũng là lúc các thành viên bắt đầu một cuộc sống mới, sinh hoạt như những người lính thực thụ. 6-7 thành viên sinh hoạt trong một phòng với những chiếc giường tầng, mỗi người được phát một mũ cối, một dép quai hậu... Đối với nhóm phóng viên chúng tôi vinh dự được giao nhiệm vụ “đặc biệt”: Làm bản tin phát thanh hằng ngày trên tàu.

Cuộc họp đầu tiên của nhóm phóng viên trong đoàn công tác là phân công nhiệm vụ làm bản tin. Những phóng viên có kinh nghiệm làm phát thanh- truyền hình ưu tiên được chọn. Các phóng viên báo viết, báo điện tử tham gia với vai trò hỗ trợ, bổ sung thông tin.

Nhà báo Trần Minh Thảo, Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa chia sẻ: Cái gì chứ giao nhiệm vụ tổ chức sản xuất 1 bản tin truyền thanh trên tàu là đúng sở trường của chúng tôi - vốn là dân Phát thanh Truyền hình. Thế nên, chúng tôi rất hào hứng, nhưng cũng lo lắng, vì biết rằng đây là bản tin quan trọng và duy nhất trên tàu, sẽ được thủ trưởng, lãnh đạo và tất cả đại biểu trên tàu quan tâm, đón nghe. Với nghiệp vụ của mình, chúng tôi xây dựng format chương trình truyền thanh mở với các phần: Tin tức; Tiểu mục Cảm xúc Trường Sa; Thông tin hải trình.

Tác nghiệp trên tàu Trường Sa 571 ảnh 2

Phóng viên Tiền Phong với các chiến sĩ

Với thời lượng 20 phút, Phó Giám đốc Thảo trong vai trò một “phát thanh viên” và một nữ biên tập viên cùng cơ quan, đã mang đến những thông tin, cảm xúc và cả những câu chuyện đẹp trên hành trình thăm biển đảo Trường Sa.

Mỗi ngày là một câu chuyện mới, một cảm xúc mới. Có những lúc, chúng tôi được nghe về những khó khăn, thử thách mà các chiến sỹ phải đối mặt, nhưng trên tất cả, đó là sự kiên cường, là ý chí vững vàng và tinh thần lạc quan của quân và dân trên các đảo.

Phần đặc biệt trong bản tin là mục "Cảm xúc Trường Sa", nhận được rất nhiều bài viết của các đại biểu. Đó là những chia sẻ, những cảm xúc chân thành của các đại biểu dành cho Trường Sa. Có khi là một bài thơ xúc động viết về biển đảo quê hương, có khi là một bài hát do chính các đại biểu sáng tác và gửi gắm tình cảm vào từng lời ca. Những đoạn văn ngắn, những câu chuyện đời thường nhưng thấm đẫm tình người cũng được chia sẻ. Mỗi câu chữ, mỗi giai điệu như hòa quyện với tiếng sóng, mang đến cho mọi người những phút giây lắng đọng và lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương.

Anh Thảo kể: “Quá trình đọc bản tin cũng là những trải nghiệm thú vị bởi chỉ có một bộ đàm cho hai phát thanh viên. Chỉ riêng việc phải bấm nút khi đọc mà bản tin kéo dài khoảng 20 phút cũng đủ tê mỏi tay rồi, thế mà khi thực hiện, chúng tôi vẫn cảm thấy thời gian trôi qua thật nhanh. 20 phút lên sóng là 20 phút chúng tôi cố gắng tập trung cao nhất, trước bộ đàm, từng lời nói, từng âm điệu đều được truyền tải với tình cảm chân thành nhất.

Tác nghiệp trên tàu Trường Sa 571 ảnh 3

Phóng viên tác nghiệp trong chuyến công tác

Thêm yêu Tổ quốc mình

Có một nhà báo đã từng viết: “Có một nơi chốn nào trên đất nước này mà khi đến đó rồi ta bỗng thấy tình yêu với Tổ quốc dâng lên mãnh liệt nhất, tha thiết nhất, thì nơi chốn đấy chính là Trường Sa!”. Quả đúng như lời bài hát: Biển nông sâu soi bóng con tàu/Nhớ chiều nào ra khơi, năm tháng lênh đênh theo lời biển gọi... Ai được một lần ra với Trường Sa lớn, khi rời đảo chứng kiến hàng dài các cán bộ chiến sỹ nghiêm trang trong nắng, gió và tiếng hô vang: “Trường Sa chào đất liền” cũng không khỏi xúc động về những người con đang vững vàng bảo vệ biển đảo thiêng liêng. Có nhiều giọt nước mắt đã rơi trong đoàn công tác, những giọt nước mắt tự hào, vững tin nơi đầu sóng.

Nhà báo Lê Thị Thanh Trà, Biên tập viên Phòng Chuyên mục KTV- Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, nói: Hạnh phúc, tự hào và biết ơn là những xúc cảm mà tôi có được trong suốt chuyến đi. Từ khi nhận được tin, mình sẽ được đến huyện đảo Trường Sa - một điểm đến mà bấy lâu nay chỉ được nghe, nhìn qua tin tức… bản thân đã rất bồi hồi! Chỉ đến khi tiếng còi của con tàu 571 kéo dài - báo hiệu xuất cảng… tôi mới tin rằng, mình đang thật sự được đến với Trường Sa.

Ngoài nhiệm vụ cập nhật tình hình quân và dân trên các đảo, trong chuyến đi lần này Trà còn được may mắn được đảm nhiệm vai trò phát thanh viên trên tàu: Cảm giác được đọc tin thông qua bộ đàm, vang vọng khắp tàu 571 và giữa biển đông hùng vĩ là điều chắc chắn rất đáng nhớ trong quãng thời gian gắn bó với nghề làm báo của mình.

Nhà báo Nguyễn Thanh Huyền, Phòng Truyền hình Đối ngoại, Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam bày tỏ, được đặt chân đến Trường Sa một lần trong đời, là mong ước của rất nhiều người. “Giữa muôn trùng biển khơi, những người lính hải quân vẫn luôn kiên cường, vững vàng, để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Điều này khiến chúng tôi thêm yêu và cảm phục họ. Đây cũng là động lực thôi thúc những nhà báo như tôi nhiệt huyết và trách nhiệm với nghề”, Huyền nói.

Tác nghiệp trên tàu Trường Sa 571 ảnh 4

Các phát thanh viên đang làm việc trên tàu Trường Sa 571

Khác hẳn với điều kiện tác nghiệp ở đất liền, Huyền và các đồng nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tác nghiệp tại Trường Sa, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thời gian và lịch trình làm việc dày đặc. Đến với Trường Sa là cơ hội quý giá đối với các nhà báo, vì vậy, dù ở trên tàu hay trên đảo, nhóm phóng viên báo chí cũng cố gắng “chạy đua với thời gian” quay phim, phỏng vấn, chụp hình..., qua đó có thể phản ánh chân thực, sống động nhất về cuộc sống của quân dân trên đảo.

Nhà báo Phạm Văn Kỳ, phóng viên Phòng Kinh tế - Xây dựng Đảng, Báo Khánh Hoà cho biết, từng đến Trường Sa đi thăm các đảo Đá Tây, Song Tử Tây, Sinh Tồn, thị trấn Trường Sa… vào năm 2015. Khi đó trên đảo còn hoang sơ. Quay lại nơi đây sau gần 10 năm, cảm nhận đầu tiên là đảo đã thay đổi rất nhiều, ngày càng khang trang, hiện đại. Ngoài vườn rau, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm để cung cấp thực phẩm để bồi dưỡng cho cán, bộ chiến sỹ trên đảo, nơi đây còn được đầu tư âu tàu hiện đại. Bên cạnh đó, là một khu dân cư với những ngôi nhà được xây mới vững chãi, sạch đẹp. Ấn tượng nhất là ở thị trấn Trường Sa đã có sân bóng đá mini, xe ô tô điện… phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho quân và dân trên đảo.

Tác nghiệp trên tàu Trường Sa 571 ảnh 5

Đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Việt Hùng

Không có gì quý hơn khi đến với Trường Sa, được gặp gỡ những chiến sỹ hải quân, những người dân chất phác ngày đêm vượt qua hoàn cảnh khó khăn, canh giữ biển trời. Đó là những chất liệu quý báu giúp người làm báo có những tác phẩm chân thực, giúp “đưa Trường Sa gần hơn với đất liền”.

MỚI - NÓNG