Rà soát điều kiện kinh doanh trước 1/7: Bộ, ngành nào chậm phải chịu trách nhiệm

Ngành nghề kinh doanh trang thiết bị y tế sẽ được ban hành ĐKKD từ 1/7 tới. Ảnh: Như Ý.
Ngành nghề kinh doanh trang thiết bị y tế sẽ được ban hành ĐKKD từ 1/7 tới. Ảnh: Như Ý.
TP - Theo Luật Đầu tư (sửa đổi), từ ngày 1/7/2016, bộ ngành chủ quản phải công bố nghị định quy định điều kiện kinh doanh (ĐKKD) cho các ngành nghề có ĐKKD. Bộ KH&ĐT-  đơn vị xây dựng luật cho biết, bộ ngành nào chậm trễ xây dựng ĐKKD phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Trong cuộc đối thoại với gần 200 doanh nghiệp (DN) hôm 28/6, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ tạo mọi điều kiện cho DN tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Nhà nước chỉ là cơ quan giám sát. Đợt rà soát gần 6.000 ĐKKD vừa qua thể hiện quyết tâm của Chính phủ tạo môi trường thuận lợi để người dân yên tâm bỏ tiền đầu tư kinh doanh.

Phục vụ DN

Tuy nhiên, theo ông Dũng, hiện tồn tại khoảng cách giữa cơ quan nhà nước và DN. Cơ quan nhà nước được trao việc quản lý, từ đó tạo ra nhũng nhiễu, hạch sách DN để trục lợi. Sắp tới, cơ quan nhà nước cần thay đổi tư duy, chuyển sang phục vụ DN. Đồng thời xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, chặt chẽ để DN yên tâm bỏ tiền đầu tư làm ăn.

“Việc ban hành các nghị định về ĐKKD không chỉ đáp ứng về thời gian (trước 1/7), còn phải đảm bảo chất lượng. Với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần quy định rõ ràng, minh bạch, cụ thể hoá vấn đề, không được để khoảng trống pháp luật”, ông Dũng nói.

Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp Thủ tướng chỉ đạo, các bộ ngành phải làm việc với hai cơ quan phản biện độc lập là VCCI và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM). 

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện Bộ KH&ĐT đã yêu cầu các bộ ngành, chủ quản có ngành nghề kinh doanh có điều kiện xây dựng nghị định về ĐKKD. Đến ngày 1/7, bộ ngành nào chưa có nghị định phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Bộ KH&ĐT là đơn vị thường trực trong quá trình rà soát.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cũng khẳng định, sau khi CIEM rà soát xong ĐKKD, cục sẽ phối hợp đăng tải lên hệ thống cổng thông tin điện tử để người dân, DN dễ dàng tiếp cận.

Theo lãnh đạo CIEM, đợt rà soát, xây dựng ĐKKD cho các ngành nghề có điều kiện trước 1/7 chỉ là bước tập dượt ban đầu. Theo yêu cầu của Luật Đầu tư, định kỳ hàng năm, Bộ KH&ĐT phối hợp với bộ ngành rà soát tất cả ĐKKD đã ban hành. Điều kiện không còn phù hợp sẽ phải bãi bỏ. “Không chỉ 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà tất cả ngành nghề kinh doanh đã được ban hành đều phải rà soát”, ông Phan Đức Hiếu, Viện phó CIEM cho biết.

“Giấy phép con còn rất nhiều”

Ngày 30/6, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, mốc 1/7/2016, chỉ là bước khởi đầu trong việc rà soát cả “rừng” các giấy phép con, điều kiện kinh doanh hiện nay; đồng thời cần kiểm soát việc “đẻ” thêm giấy phép con mới.

Theo Luật Đầu tư, từ ngày 1/7, các ĐKKD ở cấp thông tư hết hiệu lực và để tránh khoảng trống pháp lý, phải nâng cấp lên thành nghị định. Quá trình soạn thảo 50 nghị định về ĐKKD của các bộ vừa rồi, không phải là rà soát tất cả các điều kiện, giấy phép kinh doanh, đó chỉ là một phần trong “rừng  ĐKKD hiện tại mà thôi”.

Theo ông Tuấn, hoàn thành 50 nghị định vừa rồi chỉ trong thời gian rất ngắn, gấp gáp, khối lượng công việc, vấn đề rất lớn. Đó là những nghị định “tám 0”, được xây dựng trên quy trình rút gọn, không được đăng tải rộng rãi, không lấy ý kiến của doanh nghiệp, không tổng kết thi hành…Thực chất, nhiều nghị định vẫn là nâng cấp cơ học từ thông tư lên.

“Kể cả ban hành nghị định rồi, Chính phủ, các bộ ngành vẫn phải tiếp tục rà soát, đánh giá các điều kiện kinh doanh để đưa giải pháp mạnh mẽ hơn”- ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp Thủ tướng chỉ đạo, các bộ ngành phải làm việc với hai cơ quan phản biện độc lập là VCCI và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM).

“VCCI đã chủ động nghiên cứu, đưa ra hơn 300 kiến nghị cụ thể, nhiều bộ ngành đã chấp nhận kiến nghị đó, và “bóc”, gọt dũa được phần nào, làm cho ĐKKD rõ ràng, minh bạch hơn. Tuy nhiên, vì quá gấp gáp, nhiều vấn đề lớn nêu ra nhưng chưa giải quyết được, do vậy, cần chương trình dài hạn sau này”- ông Tuấn nói.

Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng cho rằng, danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là từ rà soát của các bộ, ngành. VCCI thấy rằng, một số ngành nghề trong đó không cần thiết phải có ĐKKD, chẳng hạn như kinh doanh mũ bão hiểm là hàng hoá, nên quản lý theo kiểu tiêu chuẩn,  kỹ thuật; hay dịch vụ mua bán nợ, nhượng quyền thương mại… Do vậy, nếu sửa đổi nhiều luật, sẽ đề xuất đưa những ngành nghề này ra khỏi nhóm có điều kiện.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc cắt bỏ các ĐKKD là không dễ. Ngay cả Luật Doanh nghiệp đã quy định việc bỏ các giấy phép con 15 năm nay, nhưng thực ra bỏ được ít, trong khi số lượng ĐKKD lại tăng lên nhanh.

Ông Tuấn nói: “Giấy phép con còn rất nhiều, nó cản trở quyền tự do kinh doanh, hiệu quả sản xuất, tạo ra tiêu cực tương đối phổ biến và hiện các doanh nghiệp đang kêu ở nhiều lĩnh vực”. Ông Tuấn cũng cho rằng: “Cần ý chí chính trị mạnh mẽ hơn trong việc bãi bỏ, có thể quy ra thành số lượng, tỷ lệ cần phải cắt bỏ, giao cho các bộ ngành. Người đứng ra đề xuất không nên là các bộ ngành, vì họ không có động lực. Cùng đó, cần kiểm soát chặt chẽ trong việc “đẻ” ra các giấy phép kinh doanh mới”.

MỚI - NÓNG