Ra mắt Đơn vị điều trị chuyên sâu vết thương khó lành

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 2/12, tại số 22 Phan Đình Giót, quận Tân Bình, TPHCM Hệ thống Y khoa Chuyên sâu Quốc tế Bernard đã chính thức ra mắt Đơn vị điều trị chuyên sâu vết thương khó lành (Bernard Wound Care) tập trung vào loét bàn chân đái tháo đường. Ngay trong sự kiện, Hội Y tế công cộng TPHCM đã quyết định đồng hành để nhân rộng mô hình chăm sóc vết thương nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Ra mắt Đơn vị điều trị chuyên sâu vết thương khó lành ảnh 1

Các bác sĩ Đơn vị điều trị chuyên sâu vết thương khó lành chăm sóc cho bệnh nhân

Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 2 đơn vị điều trị bệnh nhân không may bị bỏng ở người lớn là Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trưng Vương. Các chuyên gia y tế nhận định, mảng chăm sóc vết thương là lĩnh vực điều trị rất khó khăn, đòi hỏi phải đầu tư nhiều trang thiết bị cùng chuyên môn và sự kiên trì tận tụy của người thầy thuốc.

Thầy thuốc ưu tú, BS Trần Đoàn Đạo, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Y khoa Bernard – nguyên Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình, bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Vết thương xuất hiện ở hầu hết các chuyên khoa, không một chuyên khoa nào là ngoại lệ. Một vết thương không được chăm sóc, điều trị đúng và kịp thời sẽ rất khó lành, có nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử gây đau đớn, hậu quả phải tháo ngón, đoạn chi hoặc đe dọa tính mạng người bệnh”.

Ra mắt Đơn vị điều trị chuyên sâu vết thương khó lành ảnh 2

BS.CKII Trần Đoàn Đạo người đã có kinh nghiệm 4 thập kỷ điều trị vết thương cho bệnh nhân

Bác sĩ cho biết, vết thương khó lành (vết thương mạn tính) là vết thương không lành trong vòng 4 đến 8 tuần. Bất cứ vết thương nào cũng có thể trở thành khó lành và đặc biệt thường gặp ở các bệnh nhân có bệnh lý nền như đái tháo đường, suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính, suy tim… Hiện nay, trên toàn thế giới, vết thương khó lành đang được xem là một “bệnh dịch thầm lặng”. Tại Việt Nam, nhu cầu chăm sóc, điều trị vết thương của người dân rất lớn, tuy nhiên, chuyên khoa vết thương là mảng tương đối mới.

Chia sẻ về quyết định thành lập Đơn vị điều trị chuyên sâu vết thương khó lành, bà Nguyễn Nam Phương, Tổng giám đốc Bernard Healthcare nói: “Ngành y đã khó, mảng vết thương còn khắc nghiệt hơn. Đứng ở góc độ y tế tư nhân, nếu nghĩ đến kinh doanh, lợi nhuận, hẳn Bernard sẽ không đầu tư cho mảng vết thương. Bởi bệnh nhân vết thương đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn trong khi đeo đuổi một ca điều trị vết thương khó lành có thể kéo dài nhiều tháng, chi phí rất tốn kém”.

Ra mắt Đơn vị điều trị chuyên sâu vết thương khó lành ảnh 3

Bà Nguyễn Nam Phương, Tổng giám đốc Bernard Healthcare chia sẻ thông tin tại buổi lễ

Tuy nhiên, với sự đồng hành của CK2 Trần Đoàn Đạo, người đã có kinh nghiệm hơn 4 thập kỷ cứu chữa hàng ngàn bệnh nhân vết thương và nhiều bác sĩ chuyên ngành vết thương Bernard quyết định đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ để nối dài cánh tay, cùng với các bác sĩ giúp bệnh nhân vết thương. Đại diện hệ thống Bernard kỳ vọng, Đơn vị điều trị chuyên sâu chăm sóc vết thương khó lành sẽ góp phần “giảm đau, chữa lành, hạn chế biến chứng” là nơi đáng tin cậy để người dân an tâm thăm khám và điều trị, giúp các bệnh nhân vết thương được tiếp cận với các phương pháp điều trị tiên tiến trên thế giới.

Tại buổi lễ TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM chia sẻ: “Bernard là một cơ sở y tế tư nhân nhưng đang tâm huyết đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc vết thương mà không đặt nặng vấn đề lợi ích kinh tế đây là điều tôi rất thương mến. Mạng lưới của Hội Y tế Công cộng TPHCM sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực này để đưa đơn vị chăm sóc vết thương đến với cộng đồng, chăm sóc cho những người bệnh đang có nhu cầu nhưng không có đủ khả năng về tài chính và điều kiện sức khỏe”.

BS CKII Trần Đoàn Đạo cho biết: “Đơn vị điều trị vết thương chuyên sâu - Bàn chân đái tháo đường Bernard Wound Care sẽ chú trọng đào tạo chuyên môn, các chuyên gia vết thương của Bernard Wound Care tham gia giảng dạy, tham dự và tham luận tại các hội nghị Vết thương, Hội nghị mạch máu uy tín trên thế giới. Bernard Wound Care hiện đã ký kết hợp tác chiến lược với các đơn vị y tế phát triển trong khu vực (Singapore, Nhật Bản) và sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác chuyên môn với các trung tâm vết thương chuyên sâu trên thế giới (Châu Âu, Mỹ…) để nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo cơ hội điều trị tốt nhất cho bệnh nhân”.

MỚI - NÓNG