Ra đi như một khởi đầu

Ra đi như một khởi đầu
TP - 1.Một đại thụ ngã xuống ắt để lại khoảng trống. Đại tướng là đại thụ cuối cùng của một lớp người đặc biệt sẽ mãi lưu danh trong sử sách, sự ra đi của ông hẳn nhiên sẽ để lại một khoảng trống rất lớn.

> Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã yên nghỉ trong lòng đất Mẹ

Nhưng trong những ngày vừa qua, quan sát những tình cảm lớn lao của toàn dân ta, từ Bắc chí Nam đối với ông, tôi vẫn nghĩ sự ra đi của ông không phải là một kết thúc mà là một sự khởi đầu.

Có cái gì ấm áp lan toả trong những người dân Việt trong những ngày này. Đại tướng mất đi, nhiều người rơi nước mắt, nhưng người ta lại thấy thân thương gần gũi nhau hơn, thấy những gì tốt đẹp nhất trong mình trỗi dậy mạnh mẽ. Những nhỏ nhen vặt vãnh hằng ngày lắng xuống. Chắc chắn có nhiều người tự soi lại bản thân mình.

2.Một câu nói của ông hay được trích dẫn: “Tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó”. Chắc chắn rằng ông cũng sẽ nói cũng là vì cách mạng ngày đó. Là người suốt đời cống hiến cho cách mạng, cái chết của ông cũng vẫn cống hiến cho cách mạng.

Nó cho người ta thấy một cách thuyết phục nhất rằng người dân đất nước này yêu ông, tức là cũng yêu biết bao nhiêu cái lý tưởng mà Bác Hồ, ông và biết bao người đã phấn đấu, đã hi sinh. Nó nhắc người ta phải sống cho xứng đáng. Đối với nhiều người, đó là sự thức tỉnh.

3. Nhà thơ người Anh thế kỷ 17 – 18 Edward Young viết rằng “Chỉ đức hạnh vẫn giữ vẻ uy nghi trong cái chết”. Đại tướng, người mà “Võ công truyền quốc sử/Văn đức quán nhân tâm” (GS Vũ Khiêu) đã cho thấy rõ cái uy nghi của mình không chỉ trong những nghi thức trang trọng của tang lễ quốc gia, qua sự trầm tư, trĩu nặng của các nhà lãnh đạo.

Sự uy nghi đó hiện rõ trên khắp các phố phường, làng mạc Việt Nam mà suốt hơn cả tuần nay tâm trí mọi người không dứt khỏi sự ra đi của ông. Sự uy nghi đó hiện ra trên gương mặt thẫn thờ của người già, đau đớn của các cựu chiến binh, những giọt nước mắt của những người trẻ tuổi vốn vô tư, những người đàn ông mặt sạm lại vì cát bụi cuộc đời, những phụ nữ lam lũ và cả trẻ nhỏ. Một sự uy nghi cần thiết, như một chất kết dính, như một tượng đài để người ta hướng niềm tin, như một niềm hi vọng.

4.Thể phách ông đã trở về với Quảng Bình nơi chôn rau cắt rốn. Nhưng mãi còn lại đó với đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà ông yêu quý và gắng gỏi cả đời để bảo vệ và phụng sự, những võ công hiển hách của ông, sự nghiệp vĩ đại của ông, tư tưởng và nhân cách lớn của ông. Ông đã “vào thế giới người hiền” vào ngôi đền thiêng của lòng dân mà ở đó không ai và không gì bị lãng quên.

Ông ra đi nhưng đã khiến đất nước và nhân dân tự thấy phải sống tốt hơn những ngày từng sống.

Ra đi mà như một sự khởi đầu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.