Công ty CP tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển (tại TP Hồ Chí Minh) đã tập kết máy móc thiết bị để tiến hành khảo sát đáy sông khu vực cầu Ghềnh bị sập. Đây là đơn vị được Bộ GTVT chỉ định để tiến hành đánh giá, tư vấn cho việc sửa chữa cầu.
Kỹ sư Nguyễn Tấn Sơn, người phụ trách công tác rà quét đáy sông cho biết, đơn vị đã đưa đến máy quét quét sóng siêu âm dưới nước. Trong bán kính 500 mét máy sẽ rà quét chính xác dưới đáy sông và truyền dữ liệu về máy hồi âm để phân tích hình ảnh 3D, lập bình đồ, tọa độ đáy sông xác, xác định chướng ngại vật làm cơ sở cho việc tư vấn thiết kế.
Đồng thời đây cũng là cơ sở để phục vụ cho công tác, khám nghiệm hiện trường dưới nước, trục vớt các dầm, nhịp cầu đang chìm ở đáy sông. Ông Sơn đánh giá công việc khảo sát đáy sông sẽ có kết quả trong 1 ngày làm việc.
Thiết bị quét sóng siêu âm được đưa đến cầu Ghềnh.
Ở hai đầu Ghềnh ngành đường sắt đã tiến hành rào chắn phong tỏa hai đầu cầu không cho lưu thông vào khu vực cầu bị sập. Dưới sông Đồng Nai, chiếc sà lan bị lật úp đã được kéo vào bờ để lực lượng chức năng làm công tác khám nghiệm.
Ở hai chiều sông một lượng lớn tàu chuyên dụng, ca nô của các đơn vị chức năng phong tỏa ngăn các phương tiện thủy lưu thông qua gầm cầu Ghềnh. Đoạn quản lý đường thủy số 10 cũng đã tiến hành thả phao, cắm biển báo phân luồng hướng dẫn phương tiện thủy lưu thông vào sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai), tránh đi qua cầu Ghềnh.
Ông Đới Sĩ Hưng, Phó tổng giám đốc đường sắt Việt Nam có mặt tại hiện trường.
Có mặt tại hiện trường cầu Ghềnh, ông Đới Sĩ Hưng. Phó tổng giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam cho rằng đây là sự cố nghiêm trọng đầu tiên của ngành đường sắt, mức độ thiệt hại là quá lớn, con số thiệt hại hiện chưa thể tính được.
Về thời gian khắc phục cầu trong bao lâu? Ông Hưng cho biết sau khi có kết quả khảo sát trong ngày hôm nay, mới có thể đánh giá được mức độ thiệt hại để có phương án. Nếu thiệt hại đơn giản nhất thì thời gian khắc phục nhanh nhất là 3 tháng.
Thả phao hướng dẫn luồng tránh cầu Ghềnh.
Một trong những vấn đề đáng lo ngại mà ngành đường sắt và tỉnh Đồng Nai lo lắng là việc vận chuyển hành khách, hàng hóa. Ga Biên Hòa được Bộ GTVT chọn tạm thời làm ga cuối cùng của tuyến đường sắt Bắc – Nam.
Tuy nhiên hạ tầng ga Biên Hòa quá nhỏ chỉ đáp ứng được khoảng 1.000 hành khách, trong khi hiện nay lượng khách tăng lên khoảng 3000 người/ngày.
Ngành đường sắt và tỉnh Đồng Nai sáng nay cũng đã khảo sát thực trạng các ga để có phương án nâng cấp phục vụ công tác vận chuyển hành khách, hàng hóa.
Đơn vị kỹ thuật tiến hành khảo sát đáy sông.
Sáng nay, Bộ GTVT cũng đã đưa ra các phương án: sửa chữa, làm cầu tạm hay làm mới hoàn toàn. Quyết định này sẽ phụ thuộc vào kết quả khảo sát, trục vớt cầu trong thời gian 7 – 10 ngày.