Quyền lợi người dân có bị 'treo'?

Quyền lợi người dân có bị 'treo'?
TP - “TPHCM được Tây Ban Nha tài trợ kinh phí để làm công tác nghiên cứu bảo tồn phố cổ Chợ Lớn. Đây chỉ là đề tài nghiên cứu và đề xuất ý tưởng chứ chưa phải là dự án”, ông Khương Văn Mười , Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, cho biết.

> Bảo tồn phố cổ Chợ Lớn

ông Khương Văn Mười
ông Khương Văn Mười.

Phố cổ Chợ Lớn có quy mô 68 ha nhưng chỉ chọn khoảng 15 ha thì có đảm bảo được yếu tố bảo tồn?

Nếu giữ Sài Gòn như ngày xưa thì sẽ không phát triển được. Phát triển và bảo tồn là hai yếu tố luôn xung khắc lẫn nhau. Nếu không kiểm soát tốt thì phát triển sẽ đè bẹp bảo tồn và nếu bảo tồn quá thì kinh tế không phát triển. Nếu chỉ quan tâm đến bảo tồn, đời sống người dân như thế nào? Tương lai của thành phố sẽ đi về đâu?

Hai yếu tố này chúng ta phải quản lý và kiểm soát cho được. Vừa phát triển, vừa nâng cao các giá trị kinh tế song song đó phải bảo tồn cho được một khu phố, một căn hộ, một căn nhà tùy theo giá trị của nó.

Một căn nhà chỉ nói lên giá trị kiến trúc nhưng một trục đường nói lên không gian, các giá trị văn hóa phi vật thể. Bảo tồn để nâng cao đời sống người dân chứ không phải kìm hãm sự phát triển để phục vụ tham quan.

Chẳng hạn khu phố mài kéo ở trong Chợ Lớn. Ngày xưa người dân sống nhờ vào đó, cuộc sống rất bấp bênh. Thu nhập mỗi ngày chỉ vài chục nghìn đồng. Nếu bắt buộc bảo tồn cái nghề đó thì người dân làm sao mà sống?

Ba điểm nhấn trong khu bảo tồn phố cổ Chợ Lớn. Ảnh: CTV.
Ba điểm nhấn trong khu bảo tồn phố cổ Chợ Lớn. Ảnh: CTV..

Bảo tồn là phải tạo điều kiện để nâng cao nguồn thu nhập của người dân. Người dân cùng tham gia tạo ra giá trị to lớn, được san sẻ, thụ hưởng từ giá trị đó. Cho nên, biện pháp thực hiện bảo tồn rất quan trọng.

Tùy thuộc vào quy mô, tính chất tiêu biểu của di sản văn hóa để chọn ra những cái tiêu biểu nhất, phong phú để bảo tồn.

Xác định khu vực bảo tồn là một chuyện, cụ thể hóa để bảo tồn lại là chuyện khác. Các mặt tiền căn nhà, khu phố bắt buộc phải gìn giữ kiến trúc còn bên trong ruột có thể cho người dân cất cao lên.

Nói chung làm thế nào để vừa bảo tồn, vừa nâng cao đời sống người dân.

Trước đây, phải chăng công tác quy hoạch, bảo tồn ở các khu phố cổ chưa ổn nên nhiều kiến trúc cổ, không gian lịch sử, văn hóa bị xâm hại, thậm chí biến mất?

Khi mở đại lộ Đông Tây, TPHCM đã hy sinh các khu phố cổ chuyên về giao thông đường sông ở quận 5; các bến bãi đón tàu thuyền chở gạo và hàng hóa từ các tỉnh miền Tây lên với các anh thợ bốc vác đi trên những miếng ván gập ghềnh đã đi vào ký ức người Sài Gòn qua nhiều thế hệ.

Đó là những hình ảnh có giá trị về mặt lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Sài Gòn.

Tuy nhiên, nếu không có đại lộ Đông Tây, giao thông TPHCM sẽ bị tắt nghẽn. Không thể ôm hoài một tài sản tuy có giá trị nhưng không thể phát triển được. Để phát triển, phải biết chấp nhận hy sinh.

Vấn đề là những thứ đạt được phải có giá trị hơn hẳn so với những gì đã mất. Đương nhiên, không phải chúng ta vứt bỏ mà luôn trân trọng.

Trong khu vực đó vẫn còn những công trình mà chúng ta đã cố gắng giữ lại, tôn tạo để gìn giữ các giá trị lịch sử, tinh thần.

Để bảo tồn, bắt buộc phải có tiền. Một căn nhà cổ cần phải bảo tồn trước kia chỉ có một gia đình, bây giờ con cái trưởng thành, lập gia đình, số nhân khẩu tăng lên thì ở đâu? sinh sống như thế nào? Nói chung là nảy sinh một loạt các vấn đề đi kèm mà thành phố cần giải quyết giữa gìn giữ kiến trúc đó hay tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm.

TPHCM đang muốn quy hoạch bảo tồn khu phố cổ để đưa vào bảo tồn văn hóa kiến trúc phục vụ du lịch và tạm thời đưa vào khai thác kinh doanh để cư dân tham gia bảo tồn, qua đó có điều kiện nâng cao thu nhập, đời sống.

Người dân có được sửa chữa, xây dựng nhà trong khu vực bảo tồn?

Trước đây, cứ nhà cổ là không cho sửa chữa, dù công trình đã bị dột nát. Nhưng bây giờ thì khác rồi. Quy hoạch chưa công bố, lộ giới đường, hẻm chưa triển khai, người dân có quyền sửa chữa, thậm chí xây nhà.

Khi người dân hiểu được các giá trị bảo tồn, các di sản cần bảo tồn như một viên ngọc quý, mang giá trị thương hiệu, góp phần cải thiện đời sống thì sẽ ủng hộ việc bảo tồn.

Khi đưa vào khai thác, chắc chắn các căn hộ cổ đắt hơn hẳn những căn hộ mới xây dựng.

Nhưng người dân chỉ được phép xây dựng tạm. Khi Nhà nước thu hồi mặt bằng, triển khai quy hoạch thì không bồi thường chi phí xây dựng tạm cho người dân? Vấn đề là quy hoạch có đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ hay không?

Tôi nghĩ rằng đó là cơ chế giới hạn. Đây là vấn đề phức tạp trong công tác bồi thường giải tỏa. Nhà nước không khuyến khích người dân xây nhà trong khu quy hoạch.

Một cơ chế được ban hành ra, nếu thực hiện không khéo sẽ gây khó khăn cho người dân, làm chậm sự phát triển.

Tôi không khẳng định là đúng hay sai nhưng có một điều chắc chắn là cần được nghiên cứu thêm để phù hợp hơn.

Hàng loạt dự án khu dân cư mới bị chậm. TPHCM đã thu hồi dự án bãi đỗ xe ngầm công trường Lam Sơn vì lo gây hư hại Nhà hát thành phố. Xây dựng một khu dân cư hiện đại đã khó, huống hồ đây lại là một khu phố cổ, đặc biệt phức tạp và nhạy cảm. Thưa ông, bảo tồn phố cổ Chợ Lớn liệu có trở thành quy hoạch “treo”, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của người dân?

Nếu không quy hoạch bảo tồn, người dân thoải mái đập bỏ thì chỉ cần vài năm TPHCM sẽ không còn phố cổ Chợ Lớn. Phải hiểu rằng đây là khu phố cổ cần bảo tồn nhưng nhà nước không cấm cư dân phát triển.

Quan trọng là phải có một cơ chế và thực thi như thế nào để vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cư dân vừa đảm bảo yếu tố bảo tồn. Đây là công việc bắt buộc phải làm.

Ngày xưa cứ cổ là giữ lại nhưng không biết ai giữ? Nhà nước không có tiền để giữ và người dân dù muốn giữ nhưng do những bức bách phát sinh trong cuộc sống phải đập bỏ, xây mới. Việc bảo tồn cứ trong vòng luẩn quẩn.

Không thể bảo tồn cả khu phố cổ Chợ Lớn. Tôi nghĩ rằng sắp tới, TPHCM sẽ chọn ra một số khu vực, vị trí cần bảo tồn, phần còn lại sẽ cho phép phát triển. Mà những điểm giữ lại nếu cấm người dân phát triển cũng không được bởi người dân lấy gì để sống?

Tại khu phố cổ Chợ Lớn, các công trình cổ bị xâm hại có nhiều không? Bao giờ ý tưởng này sẽ được triển khai thực hiện?

Người dân có quyền sửa chữa, cải tạo nhà ở. Và, Nhà nước cần hướng dẫn sao cho việc sửa chữa vừa đảm bảo nhu cầu sử dụng của người dân, vừa đảm bảo không mất đi các giá trị văn hóa cần bảo tồn.

Chẳng hạn bên ngoài căn nhà vẫn bảo tồn kiến trúc cổ song bên trong có thể chia nhiều phòng cho thuê, kinh doanh nhà hàng, khách sạn…

Ý tưởng này đã được hội đồng thẩm định thông qua, hiện đang trình UBND TPHCM xem xét. Thực chất, đây chỉ là đề án mang tính định hướng.

Từ công nhận, duyệt hồ sơ, nghiệm thu đến triển khai thực hiện ý tưởng là cả một quá trình dài, được cân nhắc kỹ trên cơ sở đảm bảo các quyền lợi chính đáng của nhà nước và người dân.

Cảm ơn ông.

Huy Thịnh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG