Loại bị ghét thứ hai là người luôn khoe ảnh kiểu “ta đây là dân du lịch”, có mặt chỗ này, “check in” chỗ nọ. Loại bị ghét thứ ba trong danh sách là kiểu “nghiện khoe con”. Hơn 13% người được hỏi cho rằng, con cái là thiên thần trong mắt cha mẹ chúng, nhưng không có nghĩa là người khác thích ngắm rất nhiều bức ảnh na ná nhau của một cô bé hay cậu bé nào đó.
Nhiều người ở Việt Nam cũng rất thích khoe con. Khoe con cũng là cách “khoe khéo” bản thân, vì con có giỏi giang, xinh đẹp, tài năng thì bố mẹ cũng “thơm lây” nên có vẻ kiểu khoe này không có gì là xấu cả. Nhưng trên thế giới, tại rất nhiều nước phát triển, người ta rất hạn chế đưa thông tin về con cái lên mạng. Một phần vì họ tôn trọng quyền được công bố (và quyền không công bố) thông tin, hình ảnh riêng tư của người khác, dù đó là con cái mình. Bởi cho dù là con mình, chúng vẫn có đầy đủ quyền, trong đó có quyền được bảo vệ sự riêng tư. Công khai hình ảnh, thông tin của người khác mà không được sự đồng ý của họ là phạm pháp.
Hơn nữa, chỉ để thỏa mãn cái tôi một chút trên mạng, nhưng rất có thể phụ huynh đang đẩy con cái vào nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Các nhà tội phạm học trên thế giới đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ tội phạm ấu dâm, bắt cóc, tống tiền và các loại tội phạm khác nhắm tới trẻ em khi hình ảnh, thông tin về chúng được bố mẹ chúng vô tư “share” trên internet. Nhiều vụ ấu dâm đã xảy ra mà cơn cớ ban đầu là những hình ảnh con trẻ được cha mẹ khoe trên mạng. Nhiều tên tội phạm, kẻ xấu đã lợi dụng sự đơn giản trong tư duy của nhiều bậc cha mẹ để làm việc xấu: đã có những trang web tập hợp rất nhiều hình ảnh trẻ em để rồi nhào nặn, đưa những hình ảnh này vào “bộ sưu tập” trên trang web khiêu dâm trẻ em của chúng.
1/6 này, Luật Trẻ em có hiệu lực, quy định rõ các quyền của trẻ em Việt Nam. Sẽ có nhiều hành vi trước đây ta coi là bình thường sẽ bị chế tài, xử phạt kể từ 1/6.
Luật sẽ được thi hành, có thể ai đó sẽ bị xử phạt. Nhưng điều quan trọng là xã hội có nhận thức, thái độ mới về các quyền con người, trong đó có quyền của trẻ em.