Tiếp bài “Đạo ảnh bị khai trừ, đạo sách ảnh không sao?”:

Quy trình trao giải có lỗ hổng?

TP - Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam không chủ trương trao giải cho sách biên dịch. Vì thế nếu có hai chữ “biên dịch” đính kèm tên Trần Mạnh Thường thì có lẽ Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới đã không “nhận oan” giải thưởng của Hội để rồi bị phản đối.

Sau khi nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành lên tiếng về bài báo Đạo ảnh bị khai trừ, đạo sách ảnh không sao? đăng trên Tiền Phong số ra ngày 6/8, chúng tôi tiếp tục trao đổi với nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Đức Tân. Hóa ra Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam không chủ trương trao giải cho sách biên dịch. Vì thế nếu có hai chữ “biên dịch” đính kèm tên Trần Mạnh Thường thì có lẽ Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới đã không “nhận oan” giải thưởng của Hội để rồi bị phản đối.

Với tư cách nhà chuyên môn, trường hợp này theo anh nên xử trí thế nào?

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nếu muốn giải quyết việc này theo tôi phải lập một hội đồng xác minh, đối chiếu bản chính và bản dịch xem có sai sót gì là do tác giả. Chứ ý kiến thì cũng rõ rồi, tức là có những người đã phát hiện ra tác phẩm này không phải chính tác giả viết. 

Hay nói đúng hơn là một dạng phóng tác từ một tác phẩm đã có sẵn, có liên quan cả về cấu trúc và một số vấn đề nội dung của tác phẩm. Cách làm như thế này thực ra Việt Nam mình cũng có nhiều người làm chứ không chỉ anh Mạnh Thường, nhưng đặt ra về vấn đề học thuật và chuyên môn thì cũng cần phải xem xét.

Quy trình trao giải có lỗ hổng? ảnh 1 Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Đức Tân. Ảnh: NVCC.

Sự việc càng trở nên bất thường khi đã tồn tại hơn chục năm mà không được xử lý?

Tôi cũng có trao đổi riêng với anh Mạnh Thường. Anh Thường bảo anh ấy đề cuốn sách đấy là “biên dịch” nhưng nhà xuất bản khi xuất bản thì lại bỏ chữ “biên dịch” đi. Sự thật có như thế không thì tôi cũng không biết. Vì mình có biết tiếng Đức đâu.

“Phải có thẩm định thì mới xử lý được, chứ đơn thuần gạt giải của người ta cũng khó. Đây phần nào còn vấn đề danh dự nữa. Tôi cho rằng muốn xử lý cho tốt thì phải có một sự thẩm định của Hội, có sự tham gia của những người uy tín”.

Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Đức Tân

Để giải quyết vấn đề theo tôi cũng không thể đơn giản loại cuốn sách ra khỏi giải thưởng được, phải có xác minh. Như thế thì nó công bằng và sòng phẳng hơn. Sau này anh em có viết lách hoặc xuất bản sách cũng làm nghiêm túc hơn. Cái đó cũng có tác động tốt với xã hội. Còn sơ xuất thuộc về phía nào mình cũng không rõ. Nếu không phải lỗi của tác giả thì cũng phải có cải chính. Còn trong thể lệ của Hội thực ra không có hình thức trao giải cho biên dịch. Nếu Hội muốn trao cũng được nhưng phải có tiêu chí bổ sung nếu sách biên dịch có tác động tốt. Tôi cũng không phản đối giải thưởng đối với các loại sách biên dịch vì sách biên dịch của mình cũng nhiều, cũng có sách tốt, nhưng muốn như thế thì phải bổ sung. Mà bổ sung như thế có hợp lý không còn phải cân nhắc.

Tức là cũng có khiếm khuyết và lỗ hổng đâu đấy, từ chính sách, chủ trương trao giải thưởng rồi tác giả, rồi nhà xuất bản… để sự việc cứ lằng nhằng mãi. Khi gặp Chủ tịch Hội Vũ Khánh, mấy anh em cũng bàn có khi phải thành lập Hội đồng. Sau đấy cũng không nói gì cả.

Quy trình trao giải có lỗ hổng? ảnh 2 Bìa cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới được NXB Sân khấu tái bản năm 2009.

Thông tin NXB bỏ mất chữ “biên dịch” anh được trao đổi riêng vào thời gian nào?

Tôi không nhớ chính xác nhưng là sau khi có một số ý kiến về cuốn sách tại Đại hội của Hội và báo chí bắt đầu đăng những bài về chuyện đạo văn đề cập trực tiếp đến cuốn sách (khoảng tháng 3/2012), thì tôi có hỏi anh Thường. Vì anh em thỉnh thoảng viết lách có trao đổi với nhau thì anh có nói cái ý như thế, thành ra rồi anh ấy cũng không nói năng gì nhiều về chuyện này.

Như vậy là sau khi NXB Sân khấu tái bản cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới mà vẫn không thấy chữ “biên dịch” đi kèm tên tác giả?

Đúng vậy. Thành ra mình cũng hơi có vấn đề nghi vấn tại sao lại đến lần thứ hai mà anh Thường vẫn để thế. Bản thân tôi không ủng hộ chuyện đạo văn, từ trước đến nay.

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khai trừ một hội viên đạo ảnh đầu năm nay là trường hợp đầu tiên phải không, thưa anh?

Có lẽ thế. Những vụ việc như thế trước kia cũng ít được đề cập. Chỉ trong hai nhiệm kỳ vừa rồi  người ta mới bàn nhiều về đạo đức của người sáng tác, của các hội viên. Bởi trước kia những vấn đề đó ít lắm. Gần đây do sự phát triển của nhiếp ảnh, người nọ bắt chước người kia, ăn cắp ý tưởng, thậm chí chiếm dụng tác phẩm của nhau- không phải của mình mà cứ nhận của mình cũng có. Do những hiện tượng đấy có xảy ra trong Hội thành ra anh em mới nhất trí là đặt ra vấn đề đạo đức trong quy chế. Bắt đầu mới có chuyện khai thác những lỗi lầm này khác trong sáng tác, tùy từng trường hợp có quy chế kỷ luật.

Nâng cao ý thức của người sáng tác là việc làm tốt của Hội nhưng vấn đề đạo văn thì Hội cũng chưa đặt ra. Ví dụ như trường hợp của anh Mạnh Thường xử lý như thế nào thực ra Hội chưa có bàn thảo.

MỚI - NÓNG