Tiếp bài “Đạo ảnh bị khai trừ, đạo sách ảnh không sao?”:

Không thẩm định nổi giải thưởng của chính mình?

Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành.
Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành.
TP - Nguyên Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam Chu Chí Thành cung cấp thêm thông tin về nghi án đạo sách liên quan cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới xuất bản lần đầu năm 1999. Cuốn sách do Trần Mạnh Thường đứng tên được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trao giải B hạng mục Tác phẩm nghiên cứu, biên soạn, dù chưa được thẩm định về sở hữu trí tuệ.

Năm 1999, ông Thường cho xuất bản cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới (NXB Văn hóa Thông tin) và sau đó ông nhận được tài trợ của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh cho những tác phẩm biên soạn, nghiên cứu về nhiếp ảnh. Lúc đó, anh em ở Hội cũng không biết, ngay Hội đồng giám khảo cũng không biết cuốn đấy ông ấy dịch hay biên soạn. Sau phát hiện ra thì người ta có nói với chúng tôi. Nhưng cái chuyện đấy thực ra lỡ rồi. Chỉ là tài trợ thôi thì anh em cũng cho qua. Thời đó, ông Lê Phức làm Tổng thư ký.

Mười năm sau, ông Thường lại đưa Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới cho NXB Sân khấu ấn hành làm giáo trình cho nhà trường và bán ra ngoài. Đến năm 2011, ông Thường lại đưa cuốn sách để xin giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Lúc đó, tôi không phụ trách Hội nữa mà là Vũ Khánh. Lúc đó, anh em có nói với ông Trương Hoàng Thêm - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo là tác phẩm đó là tác phẩm dịch, nên xem lại, không nên trao giải. Tức là từ khi xét đã có ý kiến rồi nhưng hội đồng không ai biết tiếng Đức, không ai có cuốn sách trong tay.

“Giải thưởng là Hội trao, bây giờ Hội không đánh giá được tác phẩm là đúng hay sai thì sao dám trao giải?! Việc gì phải đi đâu kiện trong khi có hội viên xung phong đứng ra đối chiếu và Hội có thể mượn bên thứ ba đến để thẩm tra và kết luận”.

Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành

Ngày 13/11/2012 tổ chức công bố và trao giải thưởng của năm 2011, chính tôi có đặt vấn đề luôn với anh em ngay tại hội trường, có cả ông Mạnh Thường ở đấy, rằng theo chúng tôi biết, đấy là sách dịch, chứ không phải sách biên soạn hay công trình nghiên cứu của ông Thường, đề nghị Hội xem xét lại. Nhưng ông Khánh đã công bố rồi và ông ấy cho chuyện đấy là bình thường. Coi như Hội bỏ qua ý kiến của anh em chúng tôi. Chúng tôi thấy thế cũng không ổn, báo chí vào cuộc có đưa bài trong dịp đó. Nhưng ông Khánh trả lời công biên soạn của ông Thường thế là cũng xứng đáng và giải thưởng cũng không to. Anh em bảo chuyện giải thưởng to nhỏ không phải vấn đề, đây là giá trị của giải thưởng của Nhà nước và uy tín của Hội.

Bẵng đi như vậy cả nhiệm kỳ 7 của ông Khánh cũng không xử lý. Cho nên đến khi tổng kết nhiệm kỳ, họp đầu năm 2014, chúng tôi có ý kiến tại sao cả nhiệm kỳ Hội không giải quyết thì ông Khánh bảo sẽ giải quyết. Đến tháng Ba, ông Khánh gửi tôi một công văn, yêu cầu tôi viết đơn tố cáo ông Thường thì Hội mới giải quyết. Trong công văn còn nói một ý, nếu giải quyết trong Hội không ngã ngũ thì đưa ra tòa án. Cũng rất mạnh bạo, rất hay! Nhưng đưa ra tòa án thì ai là người đi theo án, ai chịu án phí?

Là hội viên và cũng là Chủ tịch cũ, tôi cũng có một cái đơn đề nghị, chứ không phải tố cáo để hồi đáp công văn của Hội. Tôi yêu cầu các vị cứ hỏi trực tiếp ông Thường bằng văn bản yêu cầu trả lời Hội: Sách của ông là sách dịch hay sách ông biên soạn? Vì hội viên có thắc mắc, vì đó là giải thưởng, chứ không phải ngoài thương trường.

Trong Hội đủ người có thể thẩm định. Hơn nữa, ông Trần Đương đứng ra nhận sẽ khảo sát vì ông ấy là người chuyên về văn hóa Đức của Việt Nam cùng một số người khác. Nếu lập hội đồng thì cũng không tốn kém gì. Từ bấy đến giờ cũng chưa thấy các vị ấy hoạt động gì.

MỚI - NÓNG