Quy trình chặt vẫn có tiến sĩ giấy, con voi chui lọt lỗ kim

Quy trình đào tạo tiến sĩ tưởng "con kiến không qua nhưng con voi vẫn lọt". Ảnh minh họa
Quy trình đào tạo tiến sĩ tưởng "con kiến không qua nhưng con voi vẫn lọt". Ảnh minh họa
Quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ ở Việt Nam được cho là ngặt nghèo nhất thế giới nhưng chất lượng đào tạo chưa cao.

Vừa thiếu vừa thừa

Trước những than phiền về quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ ở Việt Nam được cho là ngặt nghèo nhất thế giới nhưng chất lượng đào tạo chưa cao, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT đã có chia sẻ quan điểm của ông về việc này.

Trước hết, TS Hoàng Ngọc Vinh cũng thừa nhận quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ ở Việt Nam rất chặt chẽ, nhất là từ khi các trường sẽ được giao quyền tự chủ đào tạo trình độ TS. Việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm ngày càng mở rộng sẽ gắn trực tiếp tới uy tín, chất lượng đào tạo của mỗi trường do đó, quy trình tuyển chọn, đánh giá luận án tiến sĩ chắc chắn còn chặt chẽ hơn nữa.

Xét về mặt học thuật, quy trình càng chặt chẽ càng được kỳ vọng làm tăng các điều kiện bảo đảm về mặt chất lượng.

Tuy nhiên, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, siết chặt quy trình tuyển chọn đầu vào mới chỉ là một bước trong cả quy trình đào tạo tiến sĩ. Chất lượng tiến còn phụ thuộc vào cả quá trình đào tạo, phụ thuộc vào năng lực của NCS, người hướng dẫn lựa chọn đề tài, cho tới những ý kiến nhận xét, góp ý của hội đồng đánh giá...; tức là phụ thuộc vào những con người thực hiện quy trình đó thế nào? Những người đó có đủ tâm, đủ tầm, đủ khách quan, trung thực để thực hiện quy trình đó hay không? Nếu từng khâu, từng bước đều làm không tốt thì quy trình có chặt chẽ mấy cũng vẫn có kẽ hở để lọt qua.

"Việc này không khác gì chuyện xử phạt vi phạm giao thông, tưởng đặt ra mức phạt cao sẽ hạn chế được vi phạm giao thông, tuy nhiên, quy định mức phạt cao nhưng quy trình giám sát lỏng lẻo thì nguy cơ thỏa thuận, xin ngang để cho qua càng nhiều.

Đào tạo tiến sĩ cũng vậy, quy trình chặt chẽ, ngặt nghèo nhưng nếu thực hiện không tốt cũng dễ nảy sinh những tiêu cực, nể nang, xin cho", TS Hoàng Ngọc Vinh dân chứng.

Vì những mối lo ngại trên, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng trong quy chế đào tạo tiến sĩ, các tiêu chuẩn đặt ra cần thực tế, cụ thể, tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế.

"Ví dụ quy định về tiêu chuẩn tiếng Anh, quy định này vừa thiếu lại vừa thừa. Nếu chỉ cần có chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ là điều kiện cần thì chắc gì NCS đã sử dụng được khả năng tiếng Anh cho nghiên cứu. Có NCS đầy đủ chứng chỉ theo qui định nhưng khả năng đọc hiểu các công trình nghiên cứu liên quan lại khá hạn chế. Điều này thể hiện trong rất nhiều luận án tôi đọc trên mạng Internet...Như vậy chúng ta qui định về hình thức hơn là nội dung và điều này chỉ cần cần để thầy hướng dẫn và hội đồng chấm luận án đọc phần tổng quan cũng có thể biết được trình độ của NCS cũng như năng lực tiếng Anh của NCS đó", vị TS nêu.

Tiếp tục lấy ví dụ với quy định phải có đủ 15 ý kiến đánh giá bản Tóm tắt luận án của những người có chuyên môn, ông Vinh kể: "Từng có NCS gửi bản tóm tắt luận án đến xin ý kiến của tôi, lúc đó tôi đã từ chối thẳng. Tôi có trả lời người này rằng, nếu tôi ghi nhận xét vào đây có thể sẽ làm hỏng cả bản luận án của bạn, do thầy hướng dẫn không hiểu về GDNN nên bản Tóm tắt quá nhiều mâu thuẫn và tôi có trao đổi giúp NCS hoàn thiện hơn".

Tuy nhiên, trong thực tế, vị TS cho rằng, vẫn có những người vì nể nang, vì tình cảm nên có suy nghĩ người ta đã mất bao nhiêu năm, bao nhiêu công sức, tiền bạc để nghiên cứu, làm luận án, bây giờ mà phản biện gay gắt thì cũng tội nên chấp bút cho xong. Cái văn hoá duy tình của người Việt là vậy.

Do đó, ông Vinh cho rằng, với những quy định không phù hợp hoặc thiếu thực tế thì cần phải được chỉnh sửa cho phù hợp.

Đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của người hướng dẫn, TS Hoàng Ngọc Vinh cho hay, chọn được một người hướng dẫn có tâm, có tài, có trách nhiệm được xem là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và sự  thành bại của NCS.

Sự tương tác chặt chẽ giữa NCS và người hướng dẫn cũng như các nhà khoa học khác cùng chuyên môn sẽ tạo ra nhiều gợi mở, giúp NCS có cơ hội chuẩn bị, lựa chọn đề tài tốt hơn.

"Ở nước ngoài luôn đề cao những NCS có tư duy phê phán, hệ thống, sáng tạo, làm việc độc lập cùng khả năng diễn đạt tốt, do đó, người hướng dẫn chỉ cần gợi ý còn việc tìm hiểu, chắt lọc, lựa chọn vấn đề sẽ do NCS tự sàng lọc, lựa chọn.

Tuy nhiên, kỹ năng này chưa được hình thành một cách phổ biến ở Việt Nam. Vẫn có nhiều NCS còn tư duy cóp nhặt, cắt của người này, lấy của người kia rồi dán vào luận án của mình một cách máy móc mà không hề đưa ra được quan điểm độc lập, không dám bình luận, phân tích, không chốt lại được vấn đề khi phát hiện được từ nghiên cứu tổng quan các công trình trong nước và quốc tế.

Rồi khi đánh giá, nhận xét luận án thì Hội đồng lại nể nang, châm chước, thậm chí có cả hiện tượng tiêu cực, có quà để được cho qua. Vì thế, rất nhiều luận án nghiên cứu tiến sĩ có chất lượng kém vẫn lọt, còn những người có năng lực, có tài nhưng không qua được các cửa ải thủ tục đành bỏ dở...", vị TS cho hay.

Đừng để con kiến không qua nhưng con voi vẫn lọt

Về phía Hội đồng đánh giá, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng phải lựa chọn cho được những con người có giá trị đạo đức khoa học tốt. Đó là những người làm khoa học chân chính, luôn tôn trọng sự thật, thẳng thắn, khách quan. Việc đánh giá có các tiêu chí tổng hợp rõ ràng phản ánh năng lực nghiên cứu của một NCS.

Cần chấm dứt hiện tượng một GS hướng dẫn một lúc tới 2-3 NCS, thậm chí còn hướng dẫn các NCS thuộc các lĩnh vực không chuyên sâu của mình.

Hơn nữa, do cơ chế chính sách của chúng ta còn đặt nặng tâm lý, trọng bằng cấp, không thích giá trị học thuật, không thích lao tâm khổ tứ, mà Hội đồng đánh giá lại trọng tình cảm, còn nể nang, thiếu khách quan, trung thực thì sản phẩm tạo ra đương nhiên sẽ có chất lượng không cao.

Vì thế, vị TS cho rằng, xiết quy trình cũng phải siết chặt những con người tham gia thực hiện quy trình đó. Nếu chưa làm được việc này, cuối cùng quy trình tưởng chặt nhưng vẫn lỏng, tưởng "con kiến không thể qua nhưng con voi vẫn chui lọt".

Một nguyên tắc rất quan trọng khác cũng được ông Vinh đề xuất đó là phải xây dựng cho được một nền văn hóa chất lượng trong các trường đại học được giao đào tạo tiến sĩ. Theo ông Vinh, cùng việc xây dựng nền văn hóa chất lượng gắn với đó là trách nhiệm, uy tín, danh dự của từng trường sẽ khiến các trường tự ý thức nâng cao chất lượng trong quá trình đào tạo của mình.

"Một tiến sĩ ra lò có chất lượng thế nào, xã hội đều sẽ đặt câu hỏi người đó được đào tạo ở đâu? Câu trả lời có liên quan trực tiếp tới danh tiếng của ngôi trường, vì thế các trường phải lựa chọn giữa uy tín với việc chạy theo số lượng, thành tích", ông Vinh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Vinh cũng đề xuất đưa quy định cấm tặng hoa tại buổi bảo vệ luận án vì về nguyên tắc Hội đồng chưa đánh giá, chưa được nhà trường công nhận học vị tại thời điểm đó... thì việc mang hoa có thể rất nhạy cảm.  Theo ông Vinh, việc gia đình, người thân, bạn bè ùn ùn tặng hoa cho người bảo vệ luận án sẽ gây áp lực rất lớn cho hội đồng chấm luận án.

"Nhìn cảnh gia đình, người thân, bạn bè rồng rắn xếp hoa bên ngoài phòng Hội đồng đánh giá, thì hội đồng nào nỡ đánh trượt. Vì thế, hình thức tặng hoa phải cấm để tránh ảnh hưởng tâm lý cho người chấm luận án", ông Vinh nêu quan điểm. Theo vị chuyên gia, việc tặng hoa nên dành vào dịp trao bằng tiến sĩ như vậy vừa có ý nghĩa lại có văn hoá.

Theo Theo Báo Đất Việt
MỚI - NÓNG