Quốc hội xem xét giám sát tình trạng phá rừng

Quốc hội xem xét giám sát tình trạng phá rừng
TP - Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, có thể Quốc hội sẽ giám sát về việc phá rừng, bảo vệ rừng và trồng rừng, rồi ban hành một nghị quyết, bố trí nguồn lực để bảo vệ rừng trong vòng 5- 10 năm tới…

Chiều 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, quy định về giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng vẫn chưa phù hợp với thực tế. Ban thẩm tra cho rằng, cần căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật để quy định chi tiết tiêu chí, trình tự thủ tục, thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng gắn liền với chuyển mục đích sử dụng đất một cách phù hợp, bảo đảm tính bền vững của hệ sinh thái.

Từng nhiều năm gắn bó với rừng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, rừng trên cao nhưng chính sách đầu tư thấp, chỉ toàn lấy ở rừng về mà không đầu tư trở lại. Nước Lào họ chặt một cây trồng lại một cây, còn ở ta bao nhiêu thú quý, gỗ quý lấy hết, chặt 100 cây chỉ trồng được một cây.

“Rừng giờ làm giàu cho lâm tặc. Tôi đi cả nước thấy cơ bản rừng đã bị phá hết rồi, còn độ che phủ mới trồng được tý thôi. Nhiều người nói rừng bên ngoài xanh tốt nhưng bên trong “viêm đại tràng” nặng rồi. Ông cha ta nói “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, nhưng lâu nay ta chỉ quan tâm “nhất phần điền”, sinh ra nhiều đại gia... toàn đại ca phá rừng!”, ông Việt nói.

Trước tình trạng phá rừng mà không ai chịu trách nhiệm, chỉ lợi dụng cơ chế chính sách chuyển đổi rừng để vơ vét, ông Việt kiến nghị, phải xác định rõ cấp xã, huyện chịu trách nhiệm đến đâu, cấp tỉnh đến đâu, rồi cấp trung ương thế nào. Không để xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm. Cùng với đó, phải có cơ chế chính sách cho người dân sống từ rừng và làm giàu từ rừng.

Nhấn mạnh sự cấp bách trong bảo vệ rừng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cũng đề nghị luật lần này phải giao rõ trách nhiệm cụ thể cho Chủ tịch UBND tỉnh, huyện chứ không thể chung chung. Nếu để mất rừng, chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, có thể Quốc hội sẽ giám sát về việc phá rừng, bảo vệ rừng và trồng rừng, rồi ban hành một nghị quyết, bố trí nguồn lực trong vòng 5 – 10 năm tới, quy định rõ diện tích hàng năm phải trồng bao nhiêu héc ta rừng. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần có cơ chế chính sách rõ ràng, để người dân sống được với rừng, không phá rừng thì mới giữ được rừng.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.