Quốc hội nghỉ sớm vì đồng thuận cao

TP - Việc Quốc hội (QH) nghỉ họp sớm tại phiên thảo luận sáng 9/6 đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Bên lề kỳ họp chiều cùng ngày, phóng viên Tiền Phong trao đổi với Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng xoay quanh sự việc này.

Sáng 9/6 tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 đã không có một đại biểu (ĐB) nào đăng ký phát biểu và QH nghỉ họp sớm khoảng 2 tiếng so với thường lệ. Ông nghĩ sao về việc này?

Vấn đề này đã được thảo luận ở tổ tại phiên họp trước và cũng xin ý kiến ĐB trước rồi. Có lẽ vì thế ĐB đã cân nhắc kỹ, khi ra QH không có ý kiến gì khác nên họ không đăng ký phát biểu. Bởi khi phát biểu anh phải có gì đó mới, nếu không sẽ làm mất thời giờ của các ĐB khác. Cũng có thể vì nội dung chương trình sắp xếp hợp lý nên ĐB mới không có ý kiến. QH ở các nước cũng thế, họ chỉ thảo luận khoảng 30 - 40 phút thôi, nếu có ý kiến khác họ phát biểu, còn không có thì họ im lặng. Đó cũng là văn hóa.

Có nhiều ý kiến khác nhau về việc QH nghỉ sớm, theo ông, việc không có ý kiến phát biểu phản ánh điều gì và có ảnh hưởng đến chất lượng phiên họp?

Điều đó chứng tỏ chương trình giám sát này tương đối tốt nên người ta không có ý kiến nữa. Nếu thấy chương trình ổn rồi thì không nên phát biểu chỉ để phát biểu. Việc nghỉ sớm không ảnh hưởng gì đến chất lượng vì người ta thấy nội dung tốt rồi và người ta đồng ý.

Có ý kiến cho rằng, chi phí cho mỗi ngày họp Quốc hội lên đến cả tỷ đồng, việc nghỉ sớm như vậy gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Ông nghĩ sao?

Thứ nhất, không có số liệu nào nói họp QH mỗi ngày phải bỏ ra một tỷ đồng cả. Thứ hai, nếu thảo luận, tranh luận thì anh phải có cái để nói, nếu nói chỉ để hết thời gian thì không nên. Một chương trình nếu thấy đồng ý rồi, nếu phát biểu nói gì nữa? Phải có vấn đề không đồng ý, anh mới phát biểu. Nếu đến QH các nước sẽ thấy, hầu như người ta chẳng nói gì. Đến phiên tranh luận họ mới nói, còn phiên như thế này không ai nói. Khi Chính phủ trình ra một dự án luật, ai đồng ý người ta bảo đồng ý, còn không đồng ý thì bảo không.

Trong trường hợp còn nhiều thời gian như vậy, sao chúng ta không linh hoạt đẩy các chương trình lên?

Nếu các phiên họp ở cấp xã thì có thể làm được như vậy, còn họp Quốc hội phải làm theo thủ tục.

Theo ghi nhận của ông tại nhiều kỳ qua, việc QH nghỉ sớm như vậy từng xảy ra hay đây là trường hợp đầu tiên?

Đây không phải trường hợp hy hữu mà từng xảy ra. Thông thường những vấn đề nào không nóng, không có sự tranh cãi thì ĐB ít ý kiến.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG