Quốc hội làm việc liên tục không ngày nghỉ, rút ngắn 3 ngày

0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội làm việc liên tục không ngày nghỉ, rút ngắn 3 ngày
TPO - Quốc hội làm việc liên tục và sẽ rút ngắn 3 ngày, bế mạc vào ngày 28/7 thay vì ngày 31/7 như dự kiến.

Chiều 24/7, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình xin ý kiến Quốc hội về việc điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV.

Theo Tổng Thư ký, trước diễn biến dịch bệnh COVID -19 rất phức tạp, các cơ quan Quốc hội đã phải làm việc cả ngày và đêm, tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo, nghị quyết. Qua đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cân nhắc phương án điều chỉnh, hoàn thành nội dung chương trình kỳ họp ngắn nhất và hiệu quả nhất.

Cụ thể, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh chương trình, rút ngắn 3 ngày và bế mạc ngày 28/7, thay vì ngày 31/7 như dự kiến. Đồng thời sẽ điều chỉnh chương trình, làm việc cả ngày Chủ nhật, 25/7, thảo luận ở hội trường về kinh tế- xã hội.

Quốc hội biểu quyết, kết quả có 477/480 đại biểu tán thành với phương án điều chỉnh này.

Trước đó ít phút, đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình đề xuất của Chính phủ điều chỉnh nội dung về phòng chống COVID-19 vào nghị quyết kỳ họp Quốc hội.

Dự thảo đề xuất Quốc hội nhất trí với các chính sách, giải pháp của Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã áp dụng trong thời gian qua và giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động áp dụng các biện pháp đã thực hiện; các biện pháp quy định tại Điều 54 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các biện pháp cần thiết khác để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch bệnh, thảm họa, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời Chính phủ được áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc cách trong mua sắm thuốc, vắc-xin, trang thiết bị y tế, hóa chất, đầu tư cơ sở vật chất, đăng ký lưu hành, thử lâm sàng thuốc, vắc-xin, trang thiết bị y tế, phát triển sản xuất vắc xin COVID-19 trong nước, nội địa hoá trang thiết bị y tế, thuốc để bảo đảm tự chủ, tự lực, tự cường trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Khẩn trương rà soát các luật có liên quan, trình Quốc hội dự án một luật sửa nhiều luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các dự án luật cần thiết khác vào các năm 2021-2022.

Chính phủ cũng đề xuất ưu tiên ngân sách, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt, thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch bệnh, tạm ứng ngân sách trong trường họp vượt dự toán đã phê duyệt; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường họp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; địa phương được trung ương hỗ trợ trong trường họp cần thiết.

Chính phủ cũng nhấn mạnh quan điểm, đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khoẻ và đời sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già, người yếu thế khác và lực lượng chống dịch tuyến đầu; có biện pháp hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, không đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh, lao động…

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.