Charities Aid Foundation (CAF) 92 năm tuổi có trụ sở ở Anh khảo sát trung bình 1.000 cá nhân ở mỗi quốc gia thay vì nhắm đến các tổ chức hay thể chế chính trị - xã hội. Gallup - một công ty có trụ sở ở Mỹ chuyên nghiên cứu thị trường toàn cầu từ năm 1935, được thuê thực hiện.
Điều tra cho thấy đứng thứ nhất và thứ hai bảng xếp hạng WGI năm 2016 lần lượt là Myanmar – quốc gia Phật giáo Nguyên thuỷ và vừa thoát chế độ độc tài quân sự sau 50 năm và Mỹ - đi đầu về kinh tế tri thức. Không phải ngẫu nhiên một nhóm kinh doanh Việt Nam chỉ sau bốn tháng đầu năm 2016 vào Myanmar vốn cực kỳ lạc hậu về công nghệ đã nhanh chóng đạt được hai triệu người dùng kích hoạt Zalo, một ứng dụng di động đang được ưa chuộng toàn cầu.
Không ít ông lớn có thứ hạng nghèo nàn mà điển hình là Nga gần như thấp nhất châu Âu (126) và Trung Quốc ở vị trí chót bảng (140). Một số nước bị chiến tranh tàn phá lại thăng hạng như Lybia kể từ năm 2012; còn Iraq năm thứ hai liên tiếp có tỷ lệ giúp người lạ cao nhất.
Tổng thể, bảng xếp hạng 140 quốc gia cho thấy thế giới hào phóng hơn với nhiều người giành thì giờ, tiền bạc hoặc công sức hơn để giúp người khác. Chỉ riêng năm nước trong danh sách top 20 nước có điểm số WGI cao nhất đã chiếm 85% GDP toàn cầu bao gồm Úc, Canada, Indonesia, Anh, và Mỹ. Các nhà phân tích hy vọng sự lớn mạnh của “tử tế” có thể giúp hoá giải hàng loạt tai ương mà nhân loại đang hứng chịu.
Điều gì tạo nên bức tranh sáng màu như vậy? Có hay không vai trò của con người cá nhân trong việc định hình chiều hướng xã hội, điều từng được nhà triết học Hy Lạp Epicure đặt ra từ cách đây hơn 2.000 năm?
Ông cho rằng không phải người ta phải sống vì nhà nước, ngược lại, các tổ chức cộng đồng nên phục vụ cuộc sống của các cá nhân. Chính đạo đức cá nhân, thay vì đạo đức xã hội, ảnh hưởng quyết định đến nuôi dưỡng và phát huy sức mạnh quốc gia. Còn nền tảng của đạo đức, như triết gia Socrates nói, lại là tri thức. Giải phóng tiềm năng cá nhân, tạo điều kiện cho đạo đức phát triển, là vạch đường cho kinh tế tri thức theo cách bền vững.