Bình luận quốc tế:

Muộn còn hơn không

Đập Tiểu Loan của Trung Quốc trên dòng sông Mekong.
Đập Tiểu Loan của Trung Quốc trên dòng sông Mekong.
TP - Trên internet mới đây xuất hiện loạt bốn kỳ cảnh báo thảm họa sinh thái đang hiện hữu ở Nam bộ của Việt Nam. Thảm hoạ chủ yếu do các dự án năng lượng và thủy lợi trên dòng chính Mekong.

“Trong đợt hạn hán kéo dài làm suy giảm mạnh sản lượng gạo vụ đông - xuân vừa qua, nông dân có thể quy lỗi cho các cuộc chuyển hướng dòng chảy và các đập thủy điện ở thượng lưu hơn là cho biến đổi khí hậu”, bài đăng trên trang tin môi trường quốc tế news.mongabay.com hôm 6/10 có đoạn viết.

Khi một quốc gia khăng khăng “khao khát trở thành máy phát điện cho châu Á và các ông lớn thuỷ điện của Trung Quốc cũng nuôi giấc mộng ấy, Việt Nam liệu có sống sót?”, nhà cựu ngoại giao Mỹ David Brown, tác giả loạt bài nói trên, đặt câu hỏi.

Đến nay, bảy đập trên sông Lan Thương, phần thượng lưu của Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc, đã đi vào hoạt động. Một thủy điện dòng chính khác ở thượng Lào sắp hoàn thành trong khi tiến độ khởi công một đại thủy điện nữa mang tên Don Sahong ở mạn bắc biên giới Lào - Campuchia cũng được đẩy nhanh. Và thêm chín dự án đang được lập, gồm bảy ở Lào và hai ở Campuchia.

Nông dân Nam bộ sẽ không còn nhờ cậy gì được nữa vào các đợt lũ hằng năm đẩy nước mặn ra biển và cung cấp dinh dưỡng dưới dạng bùn và phù sa phát tích từ các dãy núi phía bắc thượng nguồn Mekong xa xôi. Nhưng tương lai ấy đã đến khi lũ về muộn hơn, đỉnh lũ thấp hơn, và làm giảm một nửa lượng phù sa. “Điều đó là rõ ràng và không còn nghi ngờ gì nữa”, David Brown nhận định.

Phần lớn các nước đều phản đối các đập thủy điện lớn trên Mekong, thủy vực ảnh hưởng đến sinh kế của 60 triệu dân ở Trung Quốc và năm nước Đông Nam Á. Chúng được cho là sẽ hủy diệt một trong những nguồn cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Không chỉ Việt Nam, 80% nguồn đạm động vật ở Campuchia phụ thuộc đánh bắt cá trên Mekong và Tonle Sap - biển hồ lớn nhất Đông Nam Á nối với Mekong. Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á năm 2004 tuyên bố không tài trợ cho các dự án thủy điện lớn nữa. Gần đây, các ngân hàng thương mại trong khu vực cũng đánh tín hiệu tương tự.

Các nhà phân tích ở Trung tâm Stimson (có trụ sở ở Washington) cho hay, chính nhiều ngân hàng và công ty xây dựng Trung Quốc cũng nhận thức được các nguy cơ và từ giữa năm 2015 có biểu hiện không ủng hộ các siêu thủy điện trên Mekong. Có thể Trung Quốc sẽ sử dụng Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á mới thành lập để bơm tiền cho các siêu dự án thuỷ điện. Các chuyên gia nhận định, không có dấu hiệu cho thấy nước này từ bỏ ý đồ ấy.

Thực ra, trong một thế giới ngày càng phụ thuộc nhau, lúc nào cũng có cách để hài hòa lợi ích tất cả các bên thay vì giải pháp đơn phương. Mặc Tử, triết gia Trung Quốc cuối thời Xuân Thu cách đây 2.500 năm, từng đề xuất “kiêm tương ái giao tương lợi” - yêu thương nhau trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ lợi ích của nhau. Ông cho đấy là cách tạo hòa bình vững bền, thủ tiêu tận gốc mọi đau khổ. Sẽ chẳng muộn để tái lập một ý chí chính trị vì thịnh vượng chung.

MỚI - NÓNG