Điều này khiến cả trăm khách hàng đang làm thủ tục vay mua nhà thông qua gói 30.000 tỷ không khỏi hoang mang, cuống quít. Các ngân hàng, lẽ dĩ nhiên, không muốn mất khách cũng nhanh chân chộp lấy cơ hội hóa giải bằng cách rủ nhau lách. Hàng loạt hợp đồng cho vay lập tức ra đời và được “sửa” lùi thời điểm ký kết chốt đúng ngày quy định có hiệu lực (25/12/2015).
Sự việc nghe tưởng chừng vô lý nhưng cuối cùng đã rõ hơn khi hóa ra Ngân hàng Nhà nước - đơn vị ra văn bản đột ngột này (Thông tư 26 quy định về thế chấp tài sản trong tương lai) nhằm thực hiện đúng chủ trương về thực hiện Luật Nhà ở (sửa đổi) và Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở. Việc ra Thông tư 26 như lời lãnh đạo cơ quan này nói, nhằm hiện thực hóa văn bản dưới luật trong lúc chờ các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể.
Tắc ở khâu công chứng hướng dẫn thế chấp - một thủ tục thuộc Bộ Tư pháp quyết định - đang là hòn đá tảng ngáng đường gói 30.000 tỷ. Để gỡ được, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, phải chờ ý kiến Bộ Tư pháp quyết định. Còn đại diện Bộ Tư pháp khi được hỏi cũng chỉ ầm ào cho hay sẽ cho xem xét lại, nếu tính pháp lý vênh, có thể sẽ cho xem xét sửa đổi.
Xét về lý, các cơ quan quản lý đã không sai khi làm theo đúng trình tự luật, nghị định đã ban hành. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện thực tế, có thể thấy dù muốn hay không việc buộc người dân phải có tài sản thế chấp khác đang là việc làm khó như “đòi quả trứng có trước con gà”. Một người đi vay nói: Không có nhà thì chúng tôi mới phải đi mua nhà giá rẻ, chứ có rồi thì còn phải long đong lận đận chạy vay làm gì?!
Ra đời được hơn 2 năm, với nhiều trục trặc, nay thêm điều khoản vô lý kể trên, có cảm giác như gói vay 30.000 tỷ đang thêm một lần nữa muốn quay lưng với giấc mơ sở hữu một căn nhà giá rẻ của nhiều hộ, đặc biệt là gia đình trẻ.