Nói như vậy bởi phí đường bộ nhiều năm qua bộc lộ quá nhiều mặt trái, quá trình thực hiện ở nhiều nơi không tuân thủ các quy định về phí và lệ phí. Nhiều người hẳn chưa quên chuyện Trạm thu phí đặt ở xa lộ Hà Nội (quận 9, TPHCM) nhưng thu phí hoàn vốn cho đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) và đường An Dương Vương nối dài (quận Bình Tân). Khi thông tin vỡ lở, Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM đòi lại khoản phí đã nộp trong suốt nhiều năm. Chuyện bi hài ở chỗ sau đó cơ quan chức năng có văn bản trả lời, rằng xe các doanh nghiệp lưu thông trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, khi quẹo lên cầu Sài Gòn có … “chạm chút xíu” đường Điện Biên Phủ (ngay chân cầu) nên buộc phải nộp phí. Còn những xe đi trên liên tỉnh lộ 25 (nay là đường Mai Chí Thọ), không chạm đường Điện Biên Phủ, phí lỡ nộp rồi thì chủ đầu tư… lờ đi.
Để danh chính, ngôn thuận, chủ đầu tư bỏ vốn xây mới cầu Rạch Chiếc và chuyển sang thu phí hoàn vốn cho công trình này. Số tiền bạc tỷ lỡ thu nhầm trước kia không còn thấy nói đến nữa. Trước kỳ họp HĐND TPHCM cuối năm 2015, chủ đầu tư đề xuất tăng mức phí và đã được UBND TPHCM đồng ý, có tờ trình gửi đến kỳ họp. Rất may, đến phút 89, tờ trình này đã được rút lại.
Đó chỉ là ví dụ nhỏ của tình trạng tận thu trong quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, thu hút mọi nguồn lực xã hội nhằm đẩy nhanh tốc độ xây dựng hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn đó nhiều lỗ hổng mà người chịu thiệt luôn là người sử dụng dịch vụ. Cửa ngõ ra vào các thành phố lớn, các tuyến đường huyết mạch, trạm thu phí bố trí dày đặc. Quy định về khoảng cách tối thiểu 70 km giữa hai trạm bị lờ đi, miễn sao thu được càng nhiều tiền càng tốt.
Bất cập giải quyết chưa xong, đùng một cái, Bộ Tài chính cho phép các trạm được thu mức phí kịch trần. Chưa vội bàn đến chuyện này đúng hay sai nhưng rõ ràng quy định trên là chiếc gậy thần của các trạm thu phí khi muốn tận thu và không khác gì “đổ thêm dầu vào lửa” dư luận đang cháy âm ỉ. Người dân bức xúc là điều dễ hiểu, bởi dẫu sao các loại phí, trong đó có phí cầu đường được cộng dồn vào giá hàng hóa dịch vụ. Đối tượng bị móc túi, tận thu chính là người tiêu dùng.