Trong những ngày qua, Ủy ban Tư pháp Quốc hội tiến hành họp phiên toàn thể lần thứ 7. Một trong những nội dung quan trọng của phiên họp lần này là thảo luận về Dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.
“Vắng” công khai tài sản tại nơi cư trú
Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm khi sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng hiện nay là đối tượng và mức độ công khai, kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, lãnh đạo. Đáng chú ý, tại điều 47 dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi đưa ra hai phương án. Tuy nhiên, cả hai phương án này đều “vắng” việc công khai tài sản tại nơi cư trú để người dân trực tiếp theo dõi, giám sát. Cụ thể:
Phương án 1:
1. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
2. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm.
Phương án 2:
1. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm.
2. Bản kê khai tài sản, thu nhập của công chức là Đảng viên phải được công khai tại cuộc họp chi bộ nơi người đó sinh hoạt.
3. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú của người đó và điểm bầu cử. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Hội đồng bầu cử quốc gia.
4. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn.
5. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Công khai tài sản quan chức lên báo đài?
Qua tổng hợp ý kiến, Thanh tra Chính phủ - ban soạn thảo dự án luật cho biết, không có ý kiến nào lựa chọn phương án 1. Còn phương án 2, có tới 36 ý kiến của các bộ, ngành địa phương lựa chọn.
Phương án 2 có thể hiểu theo hướng, trước khi bỏ phiếu bầu, người đi bầu phải nắm bắt được tài sản của người được bầu. Chẳng hạn, cử tri khi đi bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đại diện cho mình, thì phải biết được tài sản của người đó trước khi bầu. Tương tự, khi đại biểu Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn các chức danh thì phải nắm được tài sản của chính người dự kiến được bầu, phê chuẩn.
Ngoài ra, còn có 4 ý kiến của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hải Dương, Quảng Nam đã đề nghị bổ sung trong tất cả các khoản quy định cho các đối tượng đề nghị thêm nội dung phải công khai tại nơi cư trú.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Quảng Ngãi còn đề nghị bổ sung quy định việc công khai tài sản, thu nhập của các lãnh đạo chủ chốt lên các phương tiện thông tin đại chúng để cả xã hội giám sát để nâng cao được trách nhiệm giải trình, sự liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Các vị trí lãnh đạo chủ chốt ví dụ ở cấp huyện là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy và các Trưởng phòng ban thuộc UBND huyện và Bí thư, Chủ tịch UBND cấp xã; cấp tỉnh là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Giám đốc các sở, ban, ngành, Bí thư và Chủ tịch UBND cấp huyện…