Quán phở Trường Sa của cựu binh Gạc Ma

Ông chủ quán phở là cựu binh Trường Sa tận tình phục vụ khách. Ảnh: Hoài Văn.
Ông chủ quán phở là cựu binh Trường Sa tận tình phục vụ khách. Ảnh: Hoài Văn.
TP - Anh Thoa dẫu chật vật với cuộc mưu sinh, vẫn không thôi khắc khoải, với Trường Sa. Ở đó có xương máu của đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Có vết đạn xâm lăng vào ký ức, vào thân thể của người lính Trường Sa cứ nhói lên từng ngày…

Tham gia trận chiến Gạc Ma - Trường Sa ngày 14/3/1988  và trở về sau 3 năm 7 tháng bị nhốt biệt lập trong nhà tù Trung Quốc, anh Lê Minh Thoa (49 tuổi, ở số 5D đường Tăng Bạt Hổ, thành phố Quy Nhơn, Bình Ðịnh) - một trong 9 chiến sỹ trở về dẫu chật vật với cuộc mưu sinh, vẫn không thôi khắc khoải, với Trường Sa. Ở đó có xương máu của đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Có vết đạn xâm lăng vào ký ức, vào thân thể của người lính Trường Sa cứ nhói lên từng ngày…

Ký ức bi hùng

Trong căn nhà nhỏ chưa đầy 20m2 nơi anh cùng bố mẹ, vợ và 3 đứa con nhỏ ở, mọi thứ đều được tinh giản nhất để dành chỗ bố trí bàn ghế cho quán phở mưu sinh. Bất kỳ người khách nào vào đây cũng nhận ra những những bức hình lưu niệm mang bóng dáng những cột mốc chủ quyền, những người lính hải quân, những tấm bằng khen vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo Tổ quốc… Anh nói, tiếc rằng những hình ảnh, kỷ vật mang về từ Trường Sa năm xưa giờ chỉ còn trong trái tim.

Sinh ra ở đất võ Tây Sơn, Bình Ðịnh, chưa đầy 18 tuổi, Lê Minh Thoa nhập ngũ, rồi trở thành thợ máy của Lữ đoàn 125 Hải quân. Anh được phân công làm nhiệm vụ trên tàu 602, chuyên tiếp lương thực thực phẩm, các đảo ở quần đảo Trường Sa.

Ngày 11/3/1988 (tức ngày 9 tết Mậu Thìn), Lê Minh Thoa nhận lệnh tăng cường cho tàu HQ 604 của thuyền trưởng Anh hùng Vũ Phi Trừ ra đảo Gạc Ma - Trường Sa. Chạy gần 2 ngày 3 đêm, đến 16 giờ chiều ngày 13/3 tàu thả neo cách đảo Gạc Ma 1km. “Vài chục phút sau thì thấy một tàu hộ vệ của Hải quân Trung Quốc cũng chạy về phía Gạc Ma, liên tục phát loa nói đây là lãnh thổ của Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam rời ngay. Nghe quá phi lý, anh em vẫn tiếp tục triển khai nhiệm vụ, chuyển vật liệu xây dựng đặt mốc chủ quyền và cắm cờ Tổ quốc đúng 12 giờ đêm khi thủy triều xuống” - anh Thoa nhớ lại.

Khoảng 4 giờ sáng hôm sau, ngày 14/3, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ thấy lính Trung Quốc đưa xuồng nhôm cùng rất đông quân được trang bị vũ khí tiến về phía đảo. “Quân Trung Quốc tràn lên đảo, giật cờ Tổ quốc mà chiến sỹ ta vừa cắm. Quân ta vẫn kiên quyết bảo vệ cờ, anh em trên đảo lùi dần về phía lá cờ Tổ quốc tạo thành “Vòng tròn bất tử”. Giằng co được một lúc thì phía Trung Quốc bắt đầu nổ súng khiến nhiều chiến sĩ của ta ngã xuống... Tàu chìm, các chiến sỹ kịp bám trên những vật nổi gần đó, tôi thì vớ được hai quả bí làm phao. Quân Trung Quốc vẫn đi quanh tàu, tiếp tục xả súng… đôi mắt người cựu binh Gạc Ma ngầu đỏ theo dòng hồi ức bi tráng.

Mãi hơn 3 năm sau, khi rời khỏi nhà tù Trung Quốc, anh Thoa mới biết, trong trận huyết chiến đó có 64 chiến sỹ của ta hy sinh. Ðến 5 giờ chiều ngày bi hùng đó, thấy có một chiếc tàu từ phía Ðông tiến lại, thả ca nô xuống. Ngay sau khi anh chỉ kịp thấy dòng chữ Trung Quốc thì đã bị chúng dùng móc kéo vào, bắt lên tàu. Trên đó còn 8 đồng chí khác của ta cũng bị bắt trói…

Quán phở Trường Sa của cựu binh Gạc Ma ảnh 1

Những bức ảnh chụp cùng đồng đội được anh cất giữ cẩn thận, lúc giở ra ký ức lại ùa về.

Hơn 1.300 ngày trong nhà tù

Sau khi bị quân Trung Quốc bắt lên tàu, bịt mắt, trói chân tay và bỏ đói 3 ngày đêm thì đến đảo Hải Nam. Tại đây, những người bị thương được đưa lên bàn mổ lôi từng mảnh đạn ra khỏi người rồi tiếp tục đưa đến đảo Lôi Châu. Tại đây, 9 chiến sỹ Hải quân Việt Nam bị giam biệt lập, bị đánh đập dã man, chỉ cho ăn bánh bao, uống nước qua ngày.

Một năm sau, sau khi đoàn Hội Chữ thập đỏ quốc tế đến gặp gỡ, làm việc, chế độ nhà tù Trung Quốc đối xử với những chiến sỹ Việt Nam mới bớt hà khắc, giảm lao động cực nhọc và chuyển sang chăn nuôi. Ðồng thời mỗi người được viết một lá thư về nhà, nhưng chỉ được phép viết trong 24 chữ. “Tôi chỉ kịp viết cho gia đình rằng con vẫn khỏe…” - anh Thoa nhớ lại. Ðến tháng 11/ 1991, anh Thoa cùng các đồng đội được trao trả về nước.

Bà Trần Thị Mười - mẹ anh Thoa, nãy giờ vẫn ngồi lặng lẽ nghe câu chuyện của con, giờ mới góp lời. “Nghe người ta nói tàu của thằng Thoa bị Trung Quốc bắn chìm rồi nên nghĩ rằng, con cũng bị chìm sâu dưới biển nên lập bàn thờ, nhang khói. Ðến một hôm, mới 4 giờ sáng thấy có người gọi cửa, dậy mở thì ai nấy đều nức nở, không nói được lời nào” - bà Mười kể. Nhưng chỉ về thăm nhà được vài hôm anh Thoa lại lên đường đi ngay vì trước đó đã đăng ký xin được trở lại đơn vị cũ để phục vụ. Lúc này, anh không trực tiếp theo tàu ra Trường Sa nữa mà tham gia công tác sửa chữa tàu tại Sở chỉ huy đóng tại Nha Trang (Khánh Hòa). Người cựu binh hải chiến Gạc Ma ngày ngày cặm cụi chữa từng vết thương cho những con tàu từ Trường Sa trở về. Ðến cuối năm 1996, anh Thoa nhận quyết định xuất ngũ.

Quán phở Trường Sa của cựu binh Gạc Ma ảnh 2

Cựu binh Lê Minh Thoa (hàng ngồi, ở giữa) chụp ảnh cùng đồng đội sau khi trở về từ nhà tù Trung Quốc ảnh: Hoài Văn.

Quán phở Trường Sa

Sau khi xuất ngũ, anh cùng vợ và 3 con nhỏ vào Sài Gòn thuê nhà mưu sinh. Vợ ở nhà chăm con nhỏ, còn anh thì tất bật với từng cuốc xe ôm. Nhưng, đến khi thằng út được 4 tháng tuổi thì người vợ gửi con cho nhà nội rồi bỏ đi biệt tăm. Thế là anh trở về quê Bình Ðịnh tìm kế mưu sinh để chăm sóc nuôi nấng bầy con dại. Sau này, hai đứa con gái lớn được bà dì nhận nuôi giùm. Thương cảnh “gà trống nuôi con” của người đàn ông cuộc đời nhiều bão gió, cô bảo mẫu Trần Thị Thu Hà nguyện kết nghĩa vợ chồng, rồi thêm hai đứa bé kháu khỉnh nữa chào đời khiến cuộc sống vợ chồng bận rộn mà vui. Sau thời gian dài đi làm thuê, phụ bếp, tích cóp được chút vốn, anh mở quán phở trước nhà, đặt tên quán là Phở Trường Sa. Mới đây một đồng đội cũ tặng anh bảng hiệu Phở Gạc Ma - Trường Sa cùng tấm ảnh của người lính hải quân được anh trịnh trọng treo lên cao. “Ðây không chỉ là gánh mưu sinh mà còn là tất cả những kỷ niệm, nhắc nhớ về Trường Sa” - người cựu binh Gạc Ma ngày nào tâm sự.

Suốt mấy chục năm, cuộc sống vẫn chưa thể thong thả hơn được nhưng mỗi dịp có gặp mặt đồng đội cũ là anh lại nhảy xe đò tham gia bằng được. Gặp lại đồng đội, nhắc nhớ nhau về những kỷ niệm và nói chuyện về Trường Sa. Những lúc ấy ký ức lại hôi hổi tìm về, lại ao ước được một lần trở lại Trường Sa.

Lần khám sức khỏe mới đây, bác sỹ phát hiện thêm hai mảnh đạn còn găm trong người anh, một ở đầu và một ở bả vai. Cắn răng qua cơn đau, anh Thoa ngẩng đầu trầm ngâm “Trước đây, có lẽ do máy móc chưa hiện đại nên không phát hiện ra. Khi làm hồ sơ giám định chỉ thương tật 11%. Nhưng những vết thương này làm sao so với máu xương của đồng đội đã hòa với sóng biển!”.

MỚI - NÓNG