“Quán net” vây trường học

“Quán net” vây trường học
TPO - Một trong những điều kiện xem xét cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ Internet là cơ sở phải cách xa trường học ít nhất 200 m. Tuy nhiên, ở Hà Nội, nhiều quán net mọc lên như nấm, ôm sát trường học.

Nếu dạo quanh phố phường Hà Nội, sẽ không khó để thấy những quán Internet “vây” trường học, như khu vực sát trường Tiều học Đồng Nhân (phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng), khu vực trường Tiểu học và THCS Nhân Chính…

11 giờ trưa, các quán net khu vực Thanh Lương (phường Bạch Đằng) hoạt động hết công suất. Hầu hết khách hàng là những học sinh lớp 1, lớn nhất là lớp 8, 9. Các game thủ nhí đang say sưa dán mắt vào màn hình, “hòa mình” những trận chiến ảo đầy chết chóc. Thỉnh thoảng, có game thủ văng tục, chửi thề vì thua trận.

Ở khu vực Cẩm Hộ (phường Đống Mác), 2 quán điện tử cũng rộn ràng với tấp nập học sinh vào - ra. Phần lớn “khách làng game” đến đây “hội quân” là học sinh cấp vừa tan học. Cũng có một số học sinh “cắm chốt” ở đây  từ sáng.

Ngồi suốt hơn 3 tiếng, mải mê với trò “đột kích”, nên Ngọc Anh - Học sinh lớp 6 - quên cả đói. Ngọc Anh bảo: “Em phải tiết kiệm tiền ăn để chơi game đấy”.

Không chỉ có các “nam chiến binh” tranh thủ ra quán net “chiến”, các game thủ nữ cũng chẳng chịu kém tài. Lên thế giới ảo, các teen nữ thường thích thú với những bước nhảy điêu luyện của game Audition. Nhiều học sinh ham đến mức không kịp về nhà thay đồng phục, tan học là chạy ngay vào quán net.

Chị Tư - Chủ quán net ở Hoài Đức - cho biết: “Bọn trẻ mê lắm. Mấy đứa nhà có điều kiện, chơi không biết ngày tháng. Nhiều đứa chơi đến 12 giờ đêm mà vẫn… thèm. Nhiều đứa còn năn nỉ sẵn sàng trả tiền cao gấp đôi để được chơi tiếp...”

Thương cháu cho tiền “chơi ” net

Ở Hà Nội, phần lớn các em được cha mẹ đưa đón đi học. Tuy nhiên, không phải ai cũng đón con về nhà ăn cơm trưa. Thế nên, nhiều học sinh “lách” bố mẹ và nhà trường, lấy tiền ăn để dành chơi điện tử. Tiền ăn trưa, thời gian nghỉ trưa, các em “đầu tư” vào những trò chơi bắn giết, thậm chí là “mát mẻ” trên máy tính.

Chị Phán ở phường Khương Thượng, tiểu thương ở chợ Đồng Xuân cho biết: Mỗi sáng, chị dúi cho cậu con trai tên Tấn 5.000 - 10.000 đồng để ăn sáng. Thế nhưng, thực tế là Tấn đã nhịn ăn, “cúng” sạch tiền cho các quán net.

“Trên lớp, Tấn học ngày càng dốt, mỗi lần đi họp, tôi đều bị cô giáo nhắc nhở phải quản chặt con. Nhưng biết làm thế nào khi nó đã nghiện đến mức trốn học để chơi. Đến mức này, tôi chỉ biết bắt con ăn ở nhà và không cho cầm 1 xu nào nữa”.

Nhưng không phải người lớn nào cũng làm được như vậy. Như trường hợp bác Hoan ở quận Ba Đình. Mặc dù hai vợ chồng cương quyết không cho con cầm tiền, đi học có người lớn đón đưa nhưng “cậu ấm” vẫn cứ nghiện net. Hỏi ra mới biết, bà nội thương cháu nên hôm nào cũng cho mấy ngàn lẻ để chơi.

“Ngày đầu, nó xin 3.000 đồng, sau xin càng nhiều. Đến lúc nó bỏ học, đòi đi đánh điện tử thì cả nhà mới ngã ngửa người ra. Giờ nó nhất quyết không đi học lại dù bố mẹ khuyên giải thế nào” - Bác Hoan ngậm ngùi chia sẻ.

Còn chị Toan ở đường La Thành kể, khi mua máy về cho con mới biết tác hại của… điện tử. Con chị chơi suốt ngày, đêm và thậm chí còn mò vào các trang web bẩn. Sau một lần bắt gặp con trai dán mắt vào những hình ảnh mát mẻ, chị phải cất máy đi. “Nó mê điện tử đến hồn xiêu phách lạc, giờ suốt ngày ú ớ và sống với cuộc sống ảo trong các trận chiến. Cả nhà suốt ngày phải để mắt đến nó”.

“Quán net” vây trường học ảnh 1
Vào giờ cao điểm khi học sinh tan học, các quán net thường chật kín chỗ ngồi. Ảnh: Đỗ Hợp

Quán internet được cấp phép và quản lý như thế nào?

Đơn vị kiểm tra hoạt động của các quán Internet là UBND phường sở tại. Tuy nhiên, đại diện phường thường chỉ kiểm tra 1 tháng/lần, việc kiểm tra còn lỏng lẻo.

Hơn nữa, sau khi kiểm tra, đa số chỉ là nhắc nhở, nặng lắm là xử phạt hành chính với mức 500.000 đồng.

Theo ông Vương Quốc Tiến - Phó chủ tịch UBND phường Bạch Đằng, điều kiện để kinh doanh dịch vụ Internet là: Quán phải cách xa trường học 200m, người quản lý phải có trình độ A tin học; Quán ra đời có sự đồng thuận của hàng xóm xung quanh; Chủ cửa hàng xin được giấy phép của phòng Kinh tế kế hoạch quận và có hợp đồng kinh doanh đại lý với doanh nghiệp bưu chính viễn thông.

Tuy nhiên, trên thực tế, các cửa hàng Internet hiện nay mọc lên như nấm sau mưa, đặc biệt là sát các trường học để “câu” học sinh.

Bà Phan Thanh Mai - Cán bộ văn hóa phường Đống Mác cho biết: Chúng tôi đã kiểm tra rất nhiều lần với tần suất một tháng một lần. Trên địa bàn phường có 7 cửa hàng internet tập trung ở khu tập thể Hồng Hà, trường Trưng Trắc, Trưng Nhị, tiểu học Đồng Nhân, cấp hai Hoàng Diệu.

Lần nào đến kiểm tra, chúng tôi cũng thấy rất đông học sinh đang ngồi chơi trò chơi điện tử, những học sinh khác túm ba tụm bảy ngồi bên cạnh cổ vũ. Chúng tôi biết cửa hàng có đĩa “đen” từ nguồn tin từ khách hàng báo về nhưng đến khi kiểm tra máy chủ và các máy lẻ lại không tìm thấy phim đồi trụy.

Một trong những lỗi mà các cửa hàng kinh doanh loại hình dịch vụ này vi phạm nhiều nhất là không ghi tên khách hàng vào sổ theo dõi, cho trẻ em dưới 14 tuổi nhưng không có bố mẹ đi kèm, khách hàng không mang theo chứng minh thư nhân dân… “Với những lỗi này, cán bộ quản lý chỉ có thể nhắc nhở, nếu vi phạm nhiều và nặng quá thì mới phạt mức 500.000 đồng".

Bà Mai cũng nhấn mạnh thêm, ở địa bàn phường Đống Mác có cửa hàng 44 Cảm Hội ngay gần trường học, vi phạm điều kiện là cách trường học 200m. Phường thường xuyên nhắc nhở kiểm tra nhiều lần, nhưng cửa hàng vẫn thu hút rất đông học sinh đến chơi.

Một bất cập khác là trình độ của cán bộ văn hóa phường - người trực tiếp quản lý các cửa hàng internet không cao. Theo bà Mai, mỗi lần được tập huấn về vấn đề quản lý Internet, các cán bộ này chỉ được nghe, mà không được thực hành nên khó có thể kiểm tra hiệu quả.

Một phần của thế hệ trẻ đang tiến dần đến vực thẳm

Chị Nguyễn Kim Anh ở 25 Vũ Ngọc Phan (Hà Nội) gửi thư về Tiền phong online tâm sự: Tôi từng biết một số cháu trai cùng lớp con trai tôi, đang tuổi dậy thì, rất tò mò và muốn khám phá thế giới người lớn, đã chỉ cho nhau các đường link để xem phim, truyện tranh và ảnh khiêu dâm. Các cháu đã mê mẩn hàng giờ xem các trang web đen đó. Không ai có thể kiểm soát được chúng xem gì trong tiệm Internet. Hậu quả của việc này thật khó lường.

Chúng ta không thể phủ nhận lợi ích to lớn của Internet, cũng như khối lượng thông tin khổng lồ mà Internet mang lại. Tuy nhiên, khi mà con trẻ còn đang tuổi lớn, tuổi học hành, thật sự việc sa đà vào Internet, vào game online là cả một sự lo lắng lớn cho gia đình và xã hội, hại thì rất nhiều nhưng lợi ích chẳng thấy đâu.

Việc lắp đặt Internet đối với các gia đình hiện nay là vấn đề đơn giản và không tốn phí nhiều. Nếu thật sự các bậc cha mẹ muốn cho con cái mình học tập hay giải trí trên Internet, có thể quy định cho các cháu một thời gian nhất định, 1-2 giờ một ngày, có sự theo dõi sát sao của bố mẹ.

Tại sao từ nhiều năm nay, tỷ lệ đỗ đại học của học sinh các thành phố lớn như Hà nội, TP Hồ Chí Mình giảm sút, trong khi các học sinh nghèo ham học ở các tỉnh đã đỗ đại học với số điểm rất cao. Có lẽ một trong số các nguyên nhân là do các cháu ở nông thôn không bị chi phối nhiều bởi “chat chit”, “game online”.

...Bàn mãi rồi mà không quản được, và chắc cũng rất khó quản trong điều kiện hiện nay, trong khi từng ngày từng giờ, một phần của thế hệ trẻ đang tiến dần đến bờ vưc thẳm.

MỚI - NÓNG