Quản lý nợ công, phải có hạn mức vay mỗi nhiệm kỳ

Quản lý nợ công, phải có hạn mức vay mỗi nhiệm kỳ
TP - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có hạn mức vay của một nhiệm kỳ để tránh tình trạng nhiệm kỳ trước vay nhiều, nhiệm kỳ sau không trả được.
Quản lý nợ công, phải có hạn mức vay mỗi nhiệm kỳ ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Phát biểu tại hội trường  Ảnh: Hồng Vĩnh

Các đại biểu cũng cho rằng, cần phải vá những lỗ hổng pháp lý xung quanh Luật Quản lý Nợ công mà Chính phủ trình tại phiên thảo luận ngày 29/5.

Phải quy định hạn mức vay của một nhiệm kỳ

Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) cho rằng, không đưa nợ của doanh nghiệp nhà nước vào quản lý là thiếu.

“Nếu xảy ra việc đổ vỡ thì trách nhiệm thuộc về ai? Thuộc về UBND tỉnh, Bộ Tài chính hay doanh nghiệp? Cần nói rõ trách nhiệm nếu không khi xảy ra vấn đề thì cơ quan này đổ thừa cơ quan kia” - Ông Dũng lập luận.

Theo ông Dũng, phải có quy định cụ thể về hạn mức vay trong một nhiệm kỳ để tránh việc vay nhiệm kỳ này để rồi nhiệm kỳ sau phải lo trả nợ, không làm được gì hết. Làm sao hạn mức vay trong một nhiệm kỳ không quá nhiều. Ngoài ra, cần hình thành quỹ tích lũy để trả nợ dần những khoản vay.

Bổ sung thêm những thiếu sót của Luật Quản lý nợ công, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị bổ sung những hành vi bị cấm trong quản lý nợ công. Dự án luật cần có quy định nếu vượt chỉ tiêu, hạn mức nợ mà Quốc hội đã phê duyệt là vi phạm.

Đề cập sâu hơn khái niệm luật, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) đề nghị làm rõ khái niệm nợ, vay nợ hay vay vốn trong các điều khoản của luật.

Trong một số điều việc giải thích vay vốn là không chính xác. Khái niệm vay nước ngoài, nợ nước ngoài cũng cần làm rõ vì nợ ngoài nước bao gồm cả nợ nước ngoài.  

Không hiệu quả do phân tán

Đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) chỉ ra một số vấn đề mà Luật Quản lý Nợ công chưa giải quyết được. Điển hình là các quy định hiện nay làm cho hoạt động quản lý nợ công vẫn còn phân tán do phân cho ba cơ quan cùng quản lý là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước.

Việc phân tán này chưa giải quyết được yêu cầu tích hợp nợ trong và ngoài nước, tách bạch chức năng quản lý nợ và điều hành chính sách tài khóa, dẫn đến lãng phí trong quản lý sử dụng vốn vay. Ngoài ra, luật cũng chưa nêu rõ về trả nợ nước ngoài.

“Cần thành lập cơ quan quản lý nợ công độc lập trực thuộc Bộ Tài chính, đồng thời chuyển bộ phận quản lý vay vốn ODA từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư sang Bộ Tài chính” - Bà Hương đề xuất.

Cũng theo bà Hương, việc tích hợp quản lý tiền mặt và quản lý nợ công đến nay chưa có quy định cụ thể để thực hiện. Việc quản lý tiền mặt giúp đảm bảo nguồn vốn khả dụng của Chính phủ và trong tình hình hiện nay thì việc quản lý này rất cần thiết.

Chức năng quản lý tiền mặt và quản lý nợ công cũng là vấn đề đại biểu Trần Du Lịch từng đề cập hai lần tại kỳ họp lần thứ tư, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể. Ngoài ra, vẫn còn nhiều khoảng trống trong hành vi vi phạm pháp luật về nợ công.

Bà Hương cũng cho rằng, việc bảo lãnh của Chính phủ cần thực hiện và quy định cụ thể, thận trọng vì dễ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng lớn. Một phần do ngân hàng luôn mong muốn tìm nơi đầu tư, luôn muốn cho vay bảo lãnh Chính phủ nên cần quy định chặt chẽ những dự án được bảo lãnh Chính phủ.

Trong khi đó, dự thảo luật chỉ quy định chung chung là loại hình sản xuất hàng hóa cung cấp hàng xuất khẩu được vay là không chặt chẽ, rất dễ dẫn đến tiêu cực.

“Đây là luật mới chưa có chế tài chụ thể, cần bổ sung thêm các quy định chi tiết để thi hành. Vẫn còn nhiều khoảng trống trong hành vi vi phạm pháp luật về nợ công” - Bà Hương nói.

MỚI - NÓNG