Quan liêu & vô cảm

Quan liêu & vô cảm
TP - Chưa thể biết các cán bộ của Ban Phòng chống bão lụt thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) nghĩ gì khi chứng kiến các sắc thái cảm xúc thảng thốt, tiếc nuối, xót công xót của, của ông Nguyễn Văn Khen.

> Chờ công văn chống lũ, dân trắng tay 

Ông Khen, một xã viên của HTX nuôi trồng thủy sản Vĩnh Hưng (Biên Hòa) cho đến hôm qua vẫn còn thẫn thờ, trước cảnh 2ha mặt nước nuôi cá sặc rằn ngập chìm trong dòng nước do thủy điện xả lũ.

Ông sẽ còn thẫn thờ, bởi số tiền vay ngân hàng, hoặc mua thiếu thức ăn cho cá không biết có ai đứng ra gánh giùm gia đình ông không.

Nhưng nếu cán bộ Ban Phòng chống lụt bão thành phố Biên Hòa mà biết cảm thương tình cảnh khốn khó của người dân, biết day dứt về sự thiếu trách nhiệm của họ và trên hết, trong họ luôn thường trực thái độ vì nhân dân phục vụ thì có lẽ câu chuyện đáng trách bắt nguồn từ sự tắc trách của họ đã không xảy ra. Hơn 400 tấn cá của người dân đã không thể chỉ trong tích tắc “đổ sông đổ bể”.

Điều đáng trách và rất nực cười nằm trong cung cách làm việc quan liêu, tắc trách của một lực lượng mà lẽ ra, yếu tố tận tâm, sẵn sàng, phản ứng mau lẹ và linh hoạt như phòng chống lụt bão phải luôn được đặt lên hàng đầu.

Câu chuyện thủy điện xả lũ đã báo trước kế hoạch gần một tuần để người dân và cơ quan chức năng chuẩn bị nhưng sự tắc trách của đơn vị chịu trách nhiệm phòng chống lụt khiến người dân bị thiệt hại ở đây cho thấy, thái độ vô cảm và vô trách nhiệm trước của cải người dân phơi lộ nhãn tiền.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, ngày 21-9, sau khi nhận được thông tin thủy điện Trị An xả lũ, UBND TP Biên Hòa “có văn bản” chỉ đạo Ban Phòng chống lụt bão thành phố Biên Hòa ứng phó với lũ nhưng dù cùng trong một thành phố, văn bản này mất 6 ngày mới đến cơ sở, tức là cấp xã.

Lý do được đưa ra là “do công văn chuyển vào ngày cuối tuần nên qua ngày thứ bảy, chủ nhật, đến thứ hai”, Ban Phòng chống lụt bão thành phố Biên Hòa “mới nhận và triển khai ngay”. Có lẽ nhờ “triển khai ngay” nên xã Tân Hạnh mới giữ lại được 20% số cá nuôi?

Với cung cách làm việc của mấy vị trong Ban Phòng chống bão lụt thành phố Biên Hòa, người dân có lẽ nên cầu trời đất cho bão lũ đừng xảy ra vào ngày nghỉ.

Thời đại của công nghệ thông tin, của điện thoại di động, của internet sao người ta vẫn phải dựa vào công văn giấy tờ để cấp báo nguy cơ số 1 trong 4 nguy cơ “Thủy, hỏa, đạo, tặc” làm vậy?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG