Quan hệ Việt - Mỹ có thể phát triển mạnh

Vợ chồng ứng viên tổng thống Hillary Clinton vừa bỏ phiếu xong tại trường học Grafflin ở quê nhà Chappaqua, New York hôm 8/11. Ảnh: Mike Segar.
Vợ chồng ứng viên tổng thống Hillary Clinton vừa bỏ phiếu xong tại trường học Grafflin ở quê nhà Chappaqua, New York hôm 8/11. Ảnh: Mike Segar.
TP - Nhiều khả năng cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ trở thành tổng thống; quan hệ Việt - Mỹ sẽ phát triển mạnh, nhưng cũng sẽ có nhiều vấn đề, nhiều điều kiện hơn được đặt ra, PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nhận định ngày 7/11 khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

Đến thời điểm này, ông đánh giá gì về hai ứng viên tổng thống Mỹ?

Đến giờ đã tương đối ngã ngũ rồi. Bà Hillary Clinton có khả năng thắng cử cao hơn ông Donald Trump dựa trên nhiều nguồn tin và kết quả các cuộc thăm dò.

Theo ông, nếu trở thành tổng thống, bà Clinton có thay đổi nhiều về chính sách đối ngoại hay không?

Về cơ bản, bà Clinton từng là thành viên trong chính phủ của Tổng thống Barack Obama nên nhìn chung, các ý tưởng của bà về chính sách ngoại giao tương đối gần với ông Obama. Tất nhiên, quan điểm của bà Clinton là muốn thúc đẩy các chính sách mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn. Chính quyền của Tổng thống Obama chủ yếu muốn khôi phục hình ảnh của nước Mỹ sau rất nhiều phê phán, chỉ trích dưới thời chính quyền George W. Bush. Tiếp theo là tập trung vào các vấn đề kinh tế trong nước của Mỹ. Tôi nghĩ tới đây bà Clinton nếu trở thành Tổng thống sẽ ưu tiên nhiều hơn cho chính sách đối ngoại. Có thể sẽ không có đột biến quá lớn, nhưng là một trong những kiến trúc sư của chính sách xoay trục, tái cân bằng, bà Clinton có thể sẽ đẩy mạnh vai trò của Mỹ đối với các vấn đề quốc tế, từ cả khía cạnh kinh tế lẫn an ninh khu vực.

Theo ông, trong chính sách đối ngoại, bà Clinton có thể sẽ chú trọng vào những vấn đề nào?

Về dài hạn, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực quan trọng, nhưng hiện đang nổi lên vấn đề với Nga và IS (lực lượng Nhà nước Hồi giáo) mà chắc chắn bà Clinton phải chú tâm. Quan hệ Mỹ - Nga hiện tương đối căng thẳng, nên bà sẽ phải tìm cách tháo ngòi. Còn với IS, Mỹ có thể sẽ vẫn hỗ trợ các lực lượng ở Trung Đông để đối phó lực lượng này.

Bà Clinton là người có nhiều kỷ niệm với Việt Nam. Nếu thắng cử, bà có khả năng thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ?

Căn cứ vào tư tưởng và những điều bà ấy từng làm, bà Clinton có thể sẽ đẩy mạnh quan hệ Việt - Mỹ. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, bà Clinton hay nhấn mạnh những vấn đề khác như dân chủ dân quyền, nên có thể bà ấy cũng sẽ thúc đẩy những quan tâm này hơn so với thời Obama. Nhìn chung, quan hệ Việt - Mỹ sẽ vẫn phát triển mạnh, nhưng cũng sẽ có nhiều vấn đề, nhiều điều kiện hơn được đặt ra.

Quan hệ Việt - Mỹ có thể phát triển mạnh ảnh 1

PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ.

Mỹ nên tính toán lại ở châu Á

Có ý kiến cho rằng, nếu trở thành tổng thống, bà Clinton sẽ yêu cầu các nước châu Á - Thái Bình Dương cam kết nhiều hơn, có trách nhiệm nhiều hơn với Mỹ nếu muốn Washington duy trì vai trò ở khu vực. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Bối cảnh chung hiện nay là Mỹ đang cắt giảm ngân sách quốc phòng, nên họ muốn các nước phải sát cánh cùng Mỹ theo hướng muốn Mỹ tham gia thì các nước phải chủ động hơn trong vấn đề hợp tác an ninh - quốc phòng, an ninh khu vực truyền thống và phi truyền thống.

Ở Đông Nam Á hiện  nay, một số nước đang có những bước đi được đánh giá là nhằm xích lại gần Trung Quốc. Theo ông, nước Mỹ dưới thời tổng thống mới sẽ vấp phải những thách thức gì trong việc duy trì vai trò ở châu Á - Thái Bình Dương?

Tôi nghĩ ở khu vực Đông Nam Á đang có một số vấn đề khiến Mỹ phải tự xem lại chính sách của mình. Động thái mới của các nước trong khu vực cho thấy các nước vẫn cần Mỹ, nhưng Mỹ cũng cần tôn trọng họ. Có lẽ đây là lúc Mỹ cần tính toán lại nhằm đưa ra cách tiếp cận mới, cách giải quyết phù hợp, để vừa giải quyết được quan hệ song phương, thúc đẩy an ninh khu vực, nhưng vẫn tôn trọng các quốc gia, để Mỹ có thể phối hợp với các nước nhiều hơn, thay vì đặt ra những điều kiện đối với họ.

Cảm ơn ông.

Tác động Việt Nam

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc), nhận định, sau bầu cử tổng thống Mỹ, môi trường đối ngoại của Việt Nam sẽ dễ thay đổi hơn, sẽ khó định hình hơn so với chính sách đối nội. Mỹ sắp bước vào giai đoạn chuyển đổi từ chính quyền Barack Obama sang tân tổng thống. Cả hai ứng viên tổng thống Hillary Clinton và Donald Trump đều mạnh mẽ chỉ trích Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều chưa rõ là đảng nào, Dân chủ hay Cộng hòa, sẽ kiểm soát Thượng viện và Hạ viện. Một đảng có thể kiểm soát lưỡng viện hoặc mỗi đảng kiểm soát một viện. 

“Theo dõi những phát ngôn của ông Trump về chính sách đối ngoại đối với châu Á, tôi cho rằng, nếu được thực thi, chúng có khả năng làm mất ổn định môi trường hiện nay. Trong khi đó, Trung Quốc nhiều khả năng vẫn mạnh tay trong các vấn đề đối nội; không thay đổi lập trường về vấn đề tranh chấp trên biển Đông; đồng thời thắt chặt quan hệ cùng có lợi với Nga”, GS Thayer nhận định.          

Thái An

MỚI - NÓNG